Nhìn lại năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm mới và giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động; trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp 66,9%; công nghiệp và xây dựng 16,4%; thương mại, dịch vụ và du lịch 16,7%; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 3,77%; thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo ở khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có mặt còn hạn chế; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng chứng chỉ thấp; thiếu lao động lành nghề, thiếu các chuyên gia kỹ thuật giỏi, khả năng tiếp cận thị trường và cạnh tranh của lao động còn yếu, năng suất lao động chưa cao; xuất khẩu lao động ra nước ngoài kết quả còn thấp. Việc hợp tác, gắn kết giữa cơ sở giáo dục, đào tạo với doanh nghiệp, HTX còn hạn chế...
Đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho người lao động để khai thác hiệu quả lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực là mục tiêu được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi, tạo việc làm mới cho 20.000 lao động trên các lĩnh vực, ngành nghề và xuất khẩu lao động. Trước hết, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chương trình việc làm của tỉnh; chính sách an sinh xã hội, chính sách xuất khẩu lao động, chính sách đào tạo nghề và các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tập trung thu hút, khai thác mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Quy hoạch, mở rộng các vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến. Khai thác hiệu quả Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch lòng hồ Sông Đà, dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; các chương trình, dự án lớn, để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhân rộng các mô hình thanh niên lập nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, chương trình thanh niên tham gia xóa đói, giảm nghèo, tham gia xuất khẩu lao động, tổ chức tư vấn học nghề và việc làm cho thanh niên nông thôn. Nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; huy động, thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, chất lượng tại các cơ sở đào tạo nghề gắn với thông tin thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động.
Thường xuyên cung cấp thông tin về các chính sách của nhà nước về xuất khẩu lao động cho người lao động. Thu hút các doanh nghiệp có năng lực, uy tín đến tư vấn, tuyển chọn lao động địa phương xuất khẩu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thực hiện tốt chính sách tín dụng, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ủy thác địa phương. Huy động, khuyến khích các hộ gia đình, các thành phần kinh tế sử dụng nguồn vốn tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!