Ngày 7/4/2000, nhân Ngày sức khỏe thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chọn ngày 7/4 hằng năm là ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Kể từ đó đến nay đã 20 năm, trên cả nước thành lập hàng ngàn Câu lạc bộ hiến máu, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia hiến máu, đóng góp lượng máu vô cùng quan trọng trong việc trị bệnh cứu người của ngành y tế.
Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào lớn của toàn xã hội, là hoạt động đầy ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, nhằm cứu giúp người bệnh trong cơn nguy kịch. Hằng năm, hàng loạt các sự kiện, chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô và bài bản, như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng; sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”... đã thu về hàng triệu đơn vị máu, phục vụ cấp cứu và điều trị cho người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Phong trào hiến máu tình nguyện đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên. Công tác tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu luôn được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh. Nhờ đó, tinh thần hiến máu tình nguyện lan tỏa trong cộng đồng, ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên, cán bộ hội viên, người dân hiểu đúng, nhận thức đầy đủ và sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện.
Tuy nhiên, lượng máu hiến vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh. Các bệnh viện hiện nay luôn trong tình trạng thiếu máu để điều trị cho người bệnh. Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong cả nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ khoảng 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được 53% nhu cầu sử dụng. Năm nay, sau kỳ nghỉ Tết, thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm dịch bệnh do COVID-19 gây ra đã khiến tình trạng thiếu máu cho điều trị bệnh càng trầm trọng hơn. Chính vì vậy, việc hiến máu tình nguyện càng trở nên cấp thiết, rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Nhân Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn “... Máu là loại thuốc đặc biệt, máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên...". Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa. Đồng thời, kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, những người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện rõ hiến máu tình nguyện là một việc làm rất đáng trân trọng và cần thiết trong xã hội, thể hiện truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc. Vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và tác dụng của máu trong cấp cứu người bệnh; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân giữ gìn sức khoẻ để giúp đỡ người thân, gia đình và xã hội, xem việc hiến máu cứu người là nghĩa cử nhân ái cao đẹp của mỗi người trong cộng đồng, đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành việc làm thường xuyên, mang tính bền vững. Tham mưu, để xuất và tổ chức tuyên truyền tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Các đơn vị nằm trong kế hoạch hiến máu của tỉnh cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền trước khi tổ chức Ngày hội Hiến máu; lập danh sách người đăng ký hiến máu tình nguyện của đơn vị, đăng ký với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của tỉnh) để phối hợp với các bệnh viện tổ chức hiến máu an toàn, đạt kết quả cao. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, thành viên của ngành, của tổ chức mình tự nguyện tham gia hiến máu tình nguyện. Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh ta sẽ tổ chức 14 đợt hiến máu tình nguyện tại tuyến tỉnh, với chỉ tiêu gần 7.000 người đăng ký hiến máu; tổ chức tiếp nhận 4.300 đơn vị máu. Đối với tuyến huyện, thành phố mỗi địa phương đăng ký và hiến máu tình nguyện từ 100- 400 đơn vị máu.
Hiến máu tình nguyện không còn là trách nhiệm, bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Các cấp, các ngành, các địa phương cần kêu gọi mọi cá nhân, mọi tập thể hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người bệnh, coi đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!