Triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 12-QĐi/TU ngày 27/2/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành với nhân dân trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào nền nếp, góp phần phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp và làm thay đổi tinh thần, thái độ của công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, kết quả các cuộc đối thoại ngày càng chất lượng; tinh thần dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều cấp cùng tham gia, thành phần tham dự ngày càng mở rộng. Khi có việc bức xúc, người đứng đầu trực tiếp đứng ra trả lời, giải quyết, nhân dân hiểu rõ sự việc và đồng thuận chấp hành, qua đó đã tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Thông qua hoạt động đối thoại với nhân dân, chính quyền, các sở, ban, ngành đã từng bước thay đổi phương thức điều hành, quản lý; ý thức trách nhiệm của người đứng đầu vào cuộc, giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh hơn, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn. Qua đối thoại, thể hiện tính gần gũi, gắn kết của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; mặt khác, qua ý kiến chất vấn của nhân dân, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao được nâng lên.
Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố với các hộ dân phường Chiềng Cơi.
Phát huy hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu đối thoại trực tiếp với nhân dân, Tỉnh ủy chỉ đạo toàn tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác dân vận, gắn với các quy định về công tác giám sát, phản biện xã hội; triển khai thực hiện nghiêm túc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” đã được Đại hội XIII của Đảng xác định.
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy dân chủ trong Đảng, trong quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước các cấp; chính quyền các cấp phải công khai rộng rãi cho nhân dân biết các đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất đai...; công khai để nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công khai các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến nhân dân; chủ động nắm bắt tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp để cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân; hằng năm đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót; chấp hành chế độ báo cáo kết quả hội nghị với cơ quan cấp trên theo quy định.
Cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành với nhiều kênh, nhiều hình thức nắm chắc tình hình nhân dân; những vấn đề thuộc thẩm quyền, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; trao đổi, phản ánh về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; về mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên với nhân dân; về đạo đức, lối sống, thái độ, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi công vụ; những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm; kiến nghị những vấn đề bức xúc liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền để đề xuất tổ chức hội nghị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động nắm bắt tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp để báo cáo với cấp ủy, trao đổi với chính quyền trước khi tổ chức hội nghị đối thoại. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia đối thoại với tinh thần dân chủ, cởi mở, chủ động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội; tăng cường giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân sau đối thoại; tiếp thu ý kiến của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan liên quan trong tham mưu, giải quyết kiến nghị của người dân; chú trọng phát huy dân chủ theo phương châm “Gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân và giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, không để tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp hoặc gây bức xúc trong nhân dân. Tăng cường tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất với nhân dân để giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở; coi công tác đối thoại là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; chủ động đưa hoạt động đối thoại với nhân dân trở thành nề nếp, ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!