Cùng chung tay tạo dựng hạnh phúc

Từ một đề xuất của quốc gia nhỏ bé Bhutan, nơi được chấm điểm chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, năm 2012, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố lấy ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Ảnh: Sưu tầm

Đến nay, đã có gần 200 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.

           

Hạnh phúc, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là ham muốn tột bậc của vị “cha già” trước vận mệnh, cuộc sống của hàng triệu con dân đồng bào. Theo Người, độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị, là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ.

           

Ngày nay, để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đang chung sức, đồng lòng phát huy nội lực, đổi mới, sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước phát triển đi đôi với đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội.

           

Là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, những năm qua, Sơn La đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo nâng cao mức sống, tạo dựng nền tảng hạnh phúc cho nhân dân. Với nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy được sức mạnh, khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường của nhân dân, giúp kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 31,91% đầu năm 2016 xuống còn 21.62% vào cuối năm 2019; bình quân tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 36,06% vào đầu năm 2016 xuống còn 26,42% vào cuối năm 2019.

           

Toàn tỉnh đã hoàn thành chương trình phổ cấp giáo dục tiểu học, xóa mù chữ và phổ cập trung học cơ sở; trên 65% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 95,2% người dân tham gia bảo hiểm y tế; các đối tượng chính sách, người yếu thế được chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

           

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2021 với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Qua đó, cùng hành động góp phần chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng môi trường sống an toàn, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường sự quan tâm, chia sẻ yêu thương của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân đến cộng đồng xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội.

           

Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đặc biệt quan tâm tới khu vực đồng bào dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương.

           

Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hãy yêu thương và sẻ chia để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực.

Trường Chinh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới