Có tôn vinh nào xứng đáng hơn sự yêu thương và chia sẻ

Ngày 8/3, cả nhân loại giành lời chúc tụng ngọt ngào, cảm ơn “một nửa” đã tạo ra thế giới. Phía sau vô vàn những cuộc gặp mặt, những bó hoa, gói quà… được trao gửi, vẫn khôn nguôi nỗi trăn trở rằng, có tôn vinh nào xứng đáng hơn sự yêu thương và chia sẻ dành cho những người phụ nữ.

Trên khắp thế giới, mỗi ngày qua đi, vai trò của người phụ nữ càng được chứng minh có những đóng góp quan trọng trong xã hội. Ở Việt Nam, vượt lên những định kiến, lễ giáo phong kiến hà khắc, người phụ nữ xuất hiện nổi bật, đầy bản lĩnh, tự tin và rất mực dịu hiền. Thành quả của công cuộc đổi mới đất nước cũng đưa phụ nữ Việt Nam lên vị thế mới, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được cải thiện đáng kể. Đa số phụ nữ đã có cuộc sống tốt hơn, được chăm sóc, quan tâm nhiều hơn.

Đất nước phát triển, mỗi người dân đều nhận được những thành quả về đời sống kinh tế và phúc lợi, an sinh xã hội. Song, nhìn chung người phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong gia đình họ luôn nhận lãnh công việc chính, ừ việc bếp núc tới dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên. Ra xã hội, dù ngày càng có thêm nhiều phụ nữ vươn lên trở thành những doanh nhân thành đạt, nhà lãnh đạo tài ba, nhà khoa học nổi tiếng, song vẫn là thiểu số. Số đông phụ nữ vẫn “hụt hơi” trước cuộc đua về cơ hội cống hiến, việc làm, họ vẫn là những người đến sau trong câu chuyện hưởng thụ các giá trị kinh tế, văn hóa tinh thần.

Thật buồn hơn, phụ nữ luôn là những nạn nhân thiệt thòi nhất trước những bất công xã hội. Ở ngay trong những nơi được gọi là tổ ấm gia đình, có biết bao phụ nữ cam chịu sự bạo hành của những người mà họ trao thân, gửi phận, má ấp, vai kề. Theo điều tra năm 2019 của Bộ Lao động thương binh và xã hội; Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, cứ ba phụ nữ thì có gần hai phụ nữ (63%) ở Việt Nam đã bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực trong đời. Cứ bốn phụ nữ thì có hơn một người bị bạo lực thể xác do chồng hiện tại hoặc chồng cũ gây ra. Thật xấu hổ, cũng theo điều tra này, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam có khả năng bị bạo lực thể xác do chồng gây ra cao gấp hai lần so với bạo lực do người khác gây ra.

Đức hy sinh, khiêm tốn, lòng vị tha, bao dung vốn được cả thế giới ca ngợi là đức tính thiên bẩm và cao cả của phụ nữ. Thiên chức làm mẹ, giáo dục con cái, vun đắp tổ ấm vốn vô cùng cực nhọc song lại là nguồn hạnh phúc vô bờ của họ. Phải chăng, sự hy sinh vô thức đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều khi họ bị lạm dụng, chà đạp.

Vì thế, cùng với nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội, xây dựng thái độ tôn trọng, ứng xử văn minh, công bằng, bảo vệ phụ nữ, phê phán, đấu tranh chống coi thường, phân biệt đối xử, xâm hại phụ nữ, thì trước hết cần giúp họ ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình.

Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ được tiếp cận với những cơ hội học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ. Nam giới hãy giúp cho những người phụ nữ nhận ra rằng, chúng ta cần lắm sự nhường nhịn ở họ nhưng xin đừng nhu nhược; cần lắm sự đảm đang nhưng phải biết lên tiếng yêu cầu sẻ chia; cần lắm sự hi sinh nhưng đừng trở thành mê muội hay an phận. Và để những người phụ nữ thương yêu tiếp tục có những đóng góp và dâng hiến cho đời những điều tốt đẹp, cần lắm sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội, trước hết là từ những người đàn ông. Hãy cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, chia sẻ việc nhà, chia sẻ cơ hội, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động khác.

Phụ nữ là phái đẹp. Hãy tôn vinh họ bằng chính sự chia sẻ, hỗ trợ họ với tất cả tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Bởi họ xứng đáng được cánh “mày râu” chúng ta nghiêng mình, nghiêng mình trước cái đẹp.

Sơn La
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới