Chuyển đổi nhanh "Made in" sang "Make in"!

Gần đây, trên các diễn đàn chuyên đề về chuyển đổi số, công nghệ số, nền kinh tế số... xuất hiện với tần suất dày cụm từ “Make in Vietnam” thay vì “Made in Vietnam”. Cụm từ “Make in Vietnam” lần đầu tiên được Bộ TT&TT chia sẻ tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” hồi tháng 12/2018, đề cập đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ được giới thiệu, trình diễn bởi các doanh nghiệp ICT Việt Nam, như: Viettel, VNPT, FPT, BKAV, MobiFone. “Make in Vietnam” còn trở thành chủ đề Triển lãm công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam năm 2019 của ngành Thông tin và Truyền thông, với các demo sản phẩm công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng...).

 

Vậy “Made in” và “Make in” có gì khác nhau? Nếu “Made in Vietnam" dùng chỉ xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, thuế quan, xuất nhập khẩu mà không cần quan tâm công nghệ nhập khẩu từ đâu? sản xuất, gia công, lắp ráp, nghiên cứu chế tạo như thế nào? Thì “Make in Vietnam” nhấn mạnh sự chủ động về ý tưởng, sáng tạo, thiết kế, sản xuất, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao của người Việt Nam ngay tại Việt Nam. Thuật ngữ này còn nhằm truyền tải chiến lược, chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, huy động hàm lượng trí tuệ cao hơn, giá trị gia tăng vì thế cũng cao hơn hẳn gia công, lắp ráp thuần túy, cải thiện cơ bản chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế số tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đủ sức vươn ra tầm khu vực và quốc tế.

Nói một cách khác, thông điệp “Make in Vietnam” thể hiện khát khao, mong muốn của người Việt Nam trong hoạt động làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ, xây dựng nền kinh tế số hùng mạnh, phát triển thịnh vượng. “Make in Vietnam” cũng chính là tuyên bố độc lập về công nghệ, khẳng định Việt Nam là địa điểm thu hút đầu tư lớn, an toàn, sinh lời nhanh, hạ tầng xã hội phát triển, pháp luật minh bạch, chặt chẽ, trình độ dân trí cao...

Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh, cơ hội càng lớn, cạnh tranh càng khốc liệt, đòi hỏi chúng ta mềm dẻo, tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau, huy động mọi lực lượng: Công nghệ, tài chính, pháp luật..., nhanh chóng chớp thời cơ, nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, xây dựng, chế tạo các sản phẩm công nghệ, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần dũng cảm bước qua rào cản định kiến chỉ “hàng ngoại mới xịn”, thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chinh phục khách hàng bằng sản phẩm tốt, chất lượng cao, dịch vụ hoàn hảo, xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt Nam.

Cơ hội phát triển dựa vào khoa học công nghệ để thực hiện thành công “Make in Vietnam” của chúng ta rất lớn, bởi các doanh nghiệp khoa học công nghệ nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng luôn có sự lãnh đạo, đồng hành, ủng hộ của Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, luôn chủ động, sáng tạo, nắm bắt tốt xu hướng, am hiểu đặc thù thị trường, xây dựng chiến lược và con đường đi đúng để có những bước đi nhanh hơn các quốc gia khác. Đúng như lời phát biểu khẳng định của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.

Nguyễn Quang Thành (Thành phố)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới