Chủ động ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Do ảnh hưởng của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản của nhà nước và nhân dân. Từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lũ đã cuốn trôi và làm chết 2 người tại xã Chiềng Khoong (Sông Mã) và Nà Bó (Mai Sơn); 5 nhà bị sạt lở, trong đó có 2 nhà phải di chuyển; sạt lở 91 m mặt đường, khối lượng đất đá khoảng 470 m³; cuốn trôi 2 cầu tạm... gây ách tắc tại một số tuyến đường giao thông.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các cấp, các ngành, địa phương bám sát định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

 

Rà soát kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định; củng cố nâng cao năng lực hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Rà soát đánh giá chỗ ở an toàn cho người dân; rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh thiên tai, thực hiện di chuyển dân đến nơi an toàn, kết hợp giữa phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, thủy điện, các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc... có biện pháp gia cố, tu sửa an toàn. Đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; kiên quyết xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sự cố khi mưa lũ.

Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” của các cấp, các ngành cụ thể, chi tiết, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư thiết bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra; bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội; phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường; kiểm tra xác minh, thống kê đánh giá thiệt hại kịp thời, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai có hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, cảnh báo phục vụ hiệu quả, đáp ứng thực tế với tính chất, đặc điểm khí tượng thủy văn và thiên tai ở địa hình miền núi đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường. Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng và tổ chức thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định. Tổ chức thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; bố trí lãnh đạo thường trực chỉ huy xử lý các tình huống thiên tai xảy ra.

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến kiến thức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong trường học; hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng; tạo sự chủ động trong phòng chống, né tránh, thích nghi các loại hình thiên tai,

Thực hiện tốt các chính sách xã hội, làm tốt công tác cứu trợ, hỗ trợ, kịp thời khắc phục hậu quả ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Huy động nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phòng chống thiên tai.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới