Chủ động phòng tránh thiên tai, lũ quét, sạt lở đất

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng. Những ngày vừa qua, mưa lớn đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại huyện Mường La và một số địa phương trong tỉnh. Thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, vật nuôi, các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, mưa lớn ở diện rộng, xuất hiện lũ ở Bắc bộ, do đó các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng tránh thiên tai, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường bị hư hỏng, ngập úng trên địa bàn; huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông phục vụ đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông, đặt biển báo tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu.

           

Tiếp tục rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; đặc biệt là những khu vực có mưa nhiều rất dễ gây ra sạt lở đất, chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa, hoặc phải di dời đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức hỗ trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men cho nhân dân các vùng còn bị chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, hoặc không có chỗ ở.

           

Các lực lượng, cơ quan chức năng tiếp tục nắm bắt tình hình tại các địa phương; tăng cường tuần tra, canh gác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn. Huy động, bố trí cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ các địa phương sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình hạ tầng bị hư hỏng, nhất là trường học, trạm y tế bị hư hỏng sau mưa, lũ. Bố trí nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi và phương án sản xuất hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ.

           

Các cơ sở y tế bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh, tập trung cứu chữa đối với những người bị thương; triển khai vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ; đồng thời, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh dịch bệnh.

           

Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến mưa, lũ thông tin kịp thời tới Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các ngành, các địa phương chủ động phòng tránh, ứng phó. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời, đầy đủ chính xác về chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến mưa, lũ đến các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

           

Chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình chỉ đạo các đơn vị thi công và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát, thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông, bố trí các biển cảnh báo, hướng dẫn tại các vị trí, khu vực nguy hiểm đảm bảo cho người dân đi lại an toàn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới