Trong tháng 1/2017, ở Trung Quốc đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H7N9. Hiện nay, virus cúm gia cầm A/H7N9 và một số chủng virus cúm gia cầm khác chưa có ở Việt Nam, nhưng có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Các bộ Trạm chăn nuôi và thú y Thành phố phun thuốc tiêu độc khử trùng tại xã Hua La.
Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ xâm nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và một số chủng virus cúm gia cầm khác từ nước ngoài vào tỉnh ta, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác.
Thực hiện Văn bản số 326/SNN-CNTY, ngày 28/2/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm và phun thuốc tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017 (từ tháng 3 đến tháng 6) với tổng số 9.300 lít hóa chất, phun khử trùng 18.600.000 m2 khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ mua bán, điểm giết mổ gia cầm, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ở tất cả các huyện, thành phố. Phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các thị trường tiêu thụ gia cầm; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao; tập huấn cho thú y địa phương về kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu giám sát virus cúm gia cầm để phát hiện sớm các ổ dịch, triển khai khoanh vùng dập tắt kịp thời không để lây lan ra vùng lân cận. Đồng thời, xây dựng phương án tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh khử trùng khu vực có dịch, lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y tăng cường phối hợp với ban quản lý các chợ có bán và giết mổ gia cầm, phân tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người trực tiếp giết mổ gia cầm ở các cơ sở giết mổ và điểm giết mổ gia cầm sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành y tế khi tiếp xúc và giết mổ gia cầm; không giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Khi thấy những biểu hiện như trên ở đàn gia cầm, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y; tuyệt đối không được giết mổ, ăn thịt gia cầm bị chết; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường; xử lý gia cầm chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y; thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các phương tiện vận chuyển bằng CloraminB, vôi bột... vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi đi ra khỏi nơi nuôi nhốt gia cầm; rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sau khi tiếp xúc với gia cầm. Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm khi được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết... Sau khi tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm mà thấy các biểu biện sốt cao trên 38oC ở người kèm theo ho, đau ngực, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi thì không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà, mà đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời...
Để chủ động phòng chống virus cúm gia cầm nói chung và virus cúm A/H7N9 nói riêng, tất cả người dân cần hết sức cảnh giác và thực hiện nghiêm hướng dẫn của cán bộ thú y trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm. Khi thấy các biểu hiện gia cầm bị ốm và chết hàng loạt cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết. Nếu phát hiện có người bị nhiễm bệnh cúm từ gia cầm, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Cách nhận biết bệnh cúm gia cầm Những biểu hiện dễ nhận biết của virus cúm ở gia cầm: gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Đối với gà, vịt, ngan, ngỗng, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh và một số loại virus cúm gia cầm có thể lây sang người, bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong đối với người nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Khi gia cầm bị cúm thường có những triệu chứng: Chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù gục xuống đất, biếng ăn, khó thở, mào tím tái phù và có thể có điểm xuất huyết, gà mái đẻ trứng non, ỉa chảy và xù lông, vẹo cổ... |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!