Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có trên 10 cơ sở chăn nuôi (lợn, bò) quy mô lớn và hàng nghìn cơ sở quy mô vừa, nhỏ, chăn nuôi nông hộ. Bên cạnh những mặt tích cực thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi đang là thách thức không nhỏ đối với đời sống kinh tế xã hội.
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, đã có rất nhiều thông tin phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí, của người dân qua đường dây nóng, các mạng xã hội về tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở chăn nuôi tập trung thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Chăn nuôi năm 2018, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời phúc đáp và giải quyết các kiến nghị phản ánh về ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi; đảm bảo không để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường ảnh hướng tới đời sống của nhân dân và an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, cương quyết xử lý các hành vi phạm về bảo vệ môi trường, đặc biệt với các cơ sở chưa chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, có nguy cơ hoặc gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép, thực hiện lập hồ sơ thủ tục về môi trường đảm bảo theo quy định; đầu tư xây dựng và vận hành các công trình xử lý chất thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường. Trong quá trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cần phải nghiên cứu tham gia ý kiến theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động của quá trình chăn nuôi. Trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường.
Nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật về chăn nuôi, gắn với bảo vệ môi trường. ngành Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện khẩn trương trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Tham mưu xây dựng, tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung, gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đúng trách nhiệm trong bảo vệ môi trường theo quy định. Kiên quyết xử lý các hộ chăn nuôi không có giải pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải, mùi gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Duy trì các tổ công tác của UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi nông hộ; tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!