Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông) trên toàn cầu. Năm nay, Việt Nam chọn ngày 17/11 là ngày hưởng ứng các hoạt động Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Tại tỉnh ta, các hoạt động hưởng ứng được phát động và tổ chức trên phạm vi toàn tỉnh với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông cũng như cầu siêu cho những người đã mất.
Tai nạn giao thông đã và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Bởi hậu quả, tác hại của tai nạn giao thông là khôn lường. Nhiều gia đình mất đi người thân, mất đi người lao động chính, trụ cột trong gia đình; nhiều người trở nên tàn phế, kéo theo đó là những đau thương, mất mát, những khó khăn về kinh tế cho gia đình và người thân của họ. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 81 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 11 vụ, số người chết tăng 7 người, số người bị thương giảm 2 người. Những mất mát nêu trên là điều cảnh tỉnh cho những người tham gia giao thông.
Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông để phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông năm 2019. Kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông. Các hoạt động được tổ chức thống nhất từ tỉnh đến huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn, địa phương, bảo đảm thiết thực và hiệu quả; tạo được sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân. Về hình thức tuyên truyền, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: phát thanh, truyền hình, báo viết, báo mạng... bằng việc phản ánh các sự kiện qua tin, bài, phóng sự, chuyên mục, clip, phim tài liệu... Tuyên truyền trực quan thông qua xây dựng các cụm cổ động; pano, áp phích; băng rôn; tờ rơi, triển lãm ảnh; mít tinh; diễu hành... Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại; các diễn đàn, các buổi nói chuyện về hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông, nguyên nhân và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên và có hình thức giúp đỡ phù hợp các gia đình nạn nhân TNGT, đặc biệt các gia đình nạn nhân tử vong do TNGT có hoàn cảnh khó khăn; cùng chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với người thân của họ. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn cho mình và cho cộng đồng.
Với khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”, “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy” và khẩu hiệu hành động cho người tham gia giao thông: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”, “Đi đúng phần đường, làn đường”, mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, hãy là người có văn hóa khi tham gia giao thông. Hãy thương cảm những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!