Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quyết định số 2528/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 Ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Xí nghiệp Giầy của Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà, huyện Phù Yên.
Toàn tỉnh hiện có 3.080 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 36.500 tỷ đồng; có Khu công nghiệp Mai Sơn và Khu công nghiệp Vân Hồ, với quy mô 390 ha. Đồng thời, tỉnh đã quy hoạch 8 cụm công nghiệp (CCN) thành phố Sơn La; CCN Mộc Châu; CCN Mường La; CCN Quỳnh Nhai; CCN Quang Huy, CCN Gia Phù; CCN Phổng Lái và CCN Tông Cọ, với tổng diện tích đã quy hoạch 140 ha. Trong đó, có 2 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, có doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Sơn La đã nỗ lực thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần bao tiêu sản phẩm nông sản và đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhờ đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì ước đạt 9.395 tỷ đồng, tăng 4,46% so với năm 2020. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đến nay, Sở đã kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 35 cơ sở sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn các huyện cho thấy các đơn vị đã chấp hành tương đối tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả các cơ sở được kiểm tra đều có Ban chỉ huy, tổ phòng, chống dịch; lập sổ ghi chép thông tin, tình hình di chuyển đối với lao động, khách đến làm việc tại đơn vị. Các đơn vị sản xuất chủ động lập danh sách, đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, kinh doanh tại đơn vị; phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện lấy mẫu xét nghiệm, test nhanh, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, tổ phòng, chống Covid-19.
Các doanh nghiệp đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo của đơn vị; cán bộ, công nhân, người lao động đến làm việc phải đeo khẩu trang, khử khuẩn và đo thân nhiệt; đã bố trí khu cách ly tạm thời đảm bảo quy định. Bố trí, giao trách nhiệm các tổ trưởng dây chuyền sản xuất theo dõi công nhân trong tổ, kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị khi có ca nghi nhiễm Covid-19.
Tại huyện Phù Yên, số lượng lao động làm việc tại Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà, Công ty TNHH may Phù Yên và Nhà máy sản xuất gạch tuynel (Công ty cổ phần Thành An) gần bằng số lượng lao động làm việc của tất cả các cơ sở công nghiệp hiện có của tỉnh. Riêng Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà có 3 xí nghiệp với trên 2.800 lao động, đã chủ động xây dựng phương án sản xuất thích ứng, linh hoạt, thực hiện nghiêm 5K + vắc xin, cài đặt và khai báo y tế bằng cách quét mã QR code theo quy định.
Chị Vũ Thị Huyền Mai, tiểu khu 3, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, chia sẻ: Tôi vào làm việc tại xí nghiệp giầy đến nay được 7 tháng. Chúng tôi luôn tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi cư trú; không đi đến vùng có dịch và những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tất cả công nhân được xí nghiệp lập danh sách và đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Ông Bùi Mạnh Dũng, Giám đốc Xí nghiệp Giầy Phù Yên 1-2 (Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà), cho biết: Nếu để xảy ra dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí còn phải bồi thường cho đối tác vì phá vỡ hợp đồng; hàng trăm công nhân ngừng việc không có thu nhập. Do vậy, chúng tôi chấp hành nghiêm Bộ tiêu chí và đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; thường xuyên cập nhật thông tin để xử lý và ứng phó kịp thời.
Để sản xuất an toàn, thích ứng, linh hoạt, các doanh nghiệp cần tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Các huyện theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và các nội dung chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh để kịp thời chỉ đạo các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Kịp thời phối hợp với các ngành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!