Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến của tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực. Toàn tỉnh hiện có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Đóng góp vào sự phát triển đó, có vai trò không nhỏ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Gian hàng trưng bày sản phẩm "Chè Trọng Nguyên" của HTX Sản xuất kinh doanh và Tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu.
Tỉnh ta có 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng quả niên vụ 2022 ước đạt 450.000 tấn. Với số lượng cơ sở chế biến nông sản như hiện nay mới giải quyết được một phần nhu cầu, còn lại, hầu hết vẫn đang phải xuất khẩu dưới dạng quả tươi, xuất thô là chủ yếu, chưa tăng được giá trị nông sản. Đây cũng là "bài toán" đặt ra cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (Trung tâm KC) để thực hiện mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô đầu tư, chế biến đa dạng các sản phẩm nông sản, nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến trong sản xuất công nghiệp nói chung, trong tổng sản lượng sản xuất hàng hóa nói riêng.
Các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Đạt Thủy, huyện Mai Sơn được kiểm nghiệm từ các cơ quan có thẩm quyền và khách hàng tin dùng. Từ năm 2019 đến nay, sản phẩm mắc ca sấy của Công ty liên tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp vùng miền và cấp Trung ương. Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty, cho biết: Trung tâm KC tỉnh đã đồng hành, phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn xây dựng Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất hoa quả sấy" với kính phí 300 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia năm 2020 để đầu tư máy móc thiết bị, nâng công suất dây chuyền sấy đa năng lên 7,5 tấn nguyên liệu/mẻ/60h. Mặc dù kinh phí hỗ trợ chỉ chiếm 3% tổng kinh phí đầu tư dây chuyền chế biến, nhưng đã giúp Công ty chế biến thêm nhiều sản phẩm khác, như: Rượu mắc ca, dầu mắc ca và mở rộng thêm cả thu mua sấy một số nông sản khác.
Với mặt hàng chè, đã có thêm nhiều cơ sở chế biến chè được hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng thông qua sử dụng phương pháp nhiệt sạch. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh và Tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè, HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Phổng Lái - Thuận Châu”. Năm 2021, chè Trọng Nguyên được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia. Trong năm nay, HTX được hỗ trợ tham gia Đề án hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Sản phẩm chè Trọng Nguyên đạt sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh.
Có thể thấy, các nội dung đề án mà Trung tâm KC triển khai trên địa bàn tỉnh thời quan qua đều gắn với thế mạnh của từng vùng, từng địa bàn. Từ các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực máy móc, thiết bị, xúc tiến thương mại, tư vấn và tuyên truyền các lĩnh vực liên quan đến sản xuất CNNT, đã thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất CNNT đầu tư nâng cao năng lực thiết bị, ứng dụng các tiến bộ khoa học, góp phần nâng cao năng lực sản suất, giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả chế biến, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị nông sản. Nhiều sản phẩm tiếp tục khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Tiêu biểu, như: Chè Vân Sơn của Công ty cổ phần Chè Mộc Châu; chè Olong, trà Thanh tâm của Công ty TNHH chè Mộc Sương; chè khô (chè Trọng Nguyên) của HTX Bình Thuận; quả mắc ca sấy của Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy; miến dong của Công ty TNHH Kiên Sơn... Năm 2021, có 28 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ HTX trưng bày nông sản.
Chị Cầm Thị Hồng Hạnh, cán bộ Trung tâm KC tỉnh, cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công, Trung tâm đã phối hợp với phòng chuyên môn, các huyện, thành phố tổ chức khảo sát các cơ sở chế biến, sản phẩm nông sản để xem xét, hỗ trợ. Năm 2022, nguồn khuyến công địa phương được cấp gần 1,3 tỷ đồng để triển khai 6 đề án hỗ trợ, gồm: Ứng dụng máy móc thiết bị; xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh; thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và sử dụng năng lượng hiệu quả cho 1 đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT; hỗ trợ kiểm toán năng lượng trong công nghiệp và sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ 1 đề án sử dụng kinh phí khuyến công Quốc gia, với tổng kinh phí 900 triệu đồng hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chế biến hoa quả.
Thời gian tới, Trung tâm KC tỉnh tập trung đôn đốc, triển khai các đề án khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia được phê duyệt năm 2022, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đảm bảo đúng thời gian quy định. Đồng thời, tham mưu cho Sở Công Thương nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực khuyến công; hỗ trợ thực hiện các nội dung đề án khuyến công, trong đó hỗ trợ công nghiệp chế biến, giới thiệu, quảng bá nông sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!