Trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế nông nghiệp khởi sắc của tỉnh ta trong những năm gần đây, thu hút đầu tư các tập đoàn lớn, doanh nghiệp mạnh vào địa bàn đã tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Tính từ năm 2016-2020, có số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chiếm số lượng lớn so với các lĩnh vực khác. Trong số 375 dự án cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 64 dự án lĩnh vực nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, với tổng vốn đăng ký ban đầu là 5.833 tỷ đồng.
Dây chuyền chế biến của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.
Tỉnh Sơn La đã cân đối, hỗ trợ từ các nguồn ngân sách tỉnh quản lý trên 79,8 tỷ đồng đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào, khảo sát đánh giá nguồn nước và ứng đền bù giải phóng mặt bằng đối với 8 dự án trọng điểm thu hút đầu tư trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như: Hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, quản lý chuỗi và phát triển thị trường... Nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần bao tiêu, nâng cao giá trị nông sản, đóng góp ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân vừa qua, tỉnh Sơn La đã trao chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng mức đầu tư 6.154 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Dự án tổ hợp trang trại sinh thái và trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu; Dự án Trung tâm giống bò sữa Mộc Châu của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu và Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La xây dựng mối liên kết giữa nhà máy chế biến với người dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất. Quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu là 400 tỷ đồng. Quá triển triển khai dự án, chúng tôi đã được sự quan tâm của tỉnh, các sở, ban ngành hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án theo kế hoạch. Dự kiến trung tâm sẽ hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất vào cuối năm 2021.
Với sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh Sơn La, Công ty TNHH Mia Fruit đã liên hệ khảo sát thị trường nông sản Sơn La. Năm 2021, Công ty đã xây dựng thành công thương hiệu Mận hậu Ruby; tư vấn, quảng bá thương hiệu Nhãn Sơn La; kết nối, tiêu thụ nhiều sản phẩm quả thông qua hệ thống cửa hàng cao cấp Miafruit; đã đưa trái cây tỉnh Sơn La tham dự Hội chợ triển lãm lớn nhất tại Ý với các sản phẩm, như: Mận, hồng giòn Fuji, na dai Nữ Hoàng, dâu rẻ quạt Mộc Châu...
Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Tổng Giám đốc Công ty, thông tin: Chúng tôi đang phối hợp với tỉnh Sơn La hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa những sản phẩm hàng hóa nông sản của Sơn La vào tiêu thụ tại các siêu thị trong hệ thống và hỗ trợ tham gia xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của tỉnh Sơn La năm 2022; triển khai Dự án xây dựng vùng trồng đậu đỏ xuất khẩu qua Nhật theo tiêu chuẩn Organic...
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 104.820ha cây ăn quả, 17.000ha cà phê, trên 7.000ha chè, 5.000ha mắc ca; trong đó, 13.179 ha cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự, 186 ha cây trồng áp dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng, 15.000 ha cà phê áp dụng 4C, UTZ, 5.378 ha cây trồng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; 14.900 tấn vật nuôi áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương... Tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng 10-15%/ha/năm...
Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngoài chính sách ưu đãi hỗ trợ chung quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và các chính sách quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì doanh nghiệp được hưởng chính sách của tỉnh Sơn La theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND tỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng các chính sách cấp bù về chênh lệch lãi suất, hỗ trợ đầu tư hạ tầng xử lý chất thải, nhà xưởng trong hàng rào (đối với sơ chế cà phê); hỗ trợ hoạt động phát triển liên kết sản xuất trong nông nghiệp... Sơn La tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Với tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư thông thoáng, Sơn La ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản trên thị trường, đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!