Giá cà-phê cao khi nguồn cung trở nên khan hiếm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà-phê Robusta đang giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE-EU) tính đến hết ngày 2/8/2023 ở mức 2.681 USD/ tấn. Đây là mức giá cao trong 15 năm và đã duy trì kể từ giữa tháng 6.
Tương tự, trên thị trường Việt Nam, giá cà-phê nội địa ghi nhận ở mức 67.200 đồng/kg, cũng là một trong những mức giá cao nhất từng được ghi nhận. Mức giá này cũng đã được duy trì trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà-phê Robusta lớn nhất thế giới, những biến động trong nguồn cung cà-phê từ nước ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên diễn biến giá cà-phê toàn cầu. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mức giá giao dịch cao như hiện tại.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chỉ xuất khẩu 1,09 triệu tấn cà-phê, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022, ước tính từ Tổng cục Thống kê (GSO).
Bên cạnh sự hỗ trợ từ việc nguồn cung suy yếu, nhu cầu cà-phê Robusta gia tăng trong bối cảnh kinh tế ảm đạm cũng góp phần giúp giá mặt hàng này duy trì được mức cao trong hơn 1 tháng.
Cà-phê là hàng hóa không thiết yếu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các loại hàng hóa này. Do đó, cà-phê Robusta với ưu thế giá thành rẻ hơn cà-phê Arabica được ưu tiên sử dụng. Đặc biệt, tại các doanh nghiệp sản xuất cà-phê rang xay và hòa tan, tỷ lệ pha trộn Robusta và Arabica trong các sản phần đã được nâng lên đến 80%-20%, trong khi đó, ở giai đoạn trước đây tỷ lệ Robusta thường ở thế yếu.
Dù vậy, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Giá cà-phê ở mức cao có thể không duy trì lâu. Hiện nay, Brazil và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu cà-phê hàng đầu thế giới đã có nguồn cung từ niên vụ mới và đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch cà-phê niên vụ 2023/24 vào quý IV năm nay, góp phần bổ sung lượng lớn cà-phê cho thị trường”.
Giá cao hạn chế lợi thế đối với hoạt động xuất khẩu
Bên cạnh việc nguồn cung thu hẹp do sản lượng cà-phê niên vụ 2023/24 giảm 10-15% so với dự kiến, tình trạng doanh nghiệp trong nước không đủ vốn để tích trữ và gom hàng cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến xuất khẩu cà-phê ảm đạm tại Việt Nam.
Trước những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế của Ngân hàng nhà nước, sau 4 lần liên tiếp điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm 1%/năm so cuối năm 2022. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tương đối chậm cùng với “bài toán” lạm phát khó giải, các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn để gom hàng từ nông dân.
Đồng thời, việc lãi suất vay hiện vẫn ở mức cao so với thời điểm trước tháng 9/2022, trong khi giá cà-phê ở mức đỉnh lịch sử cũng làm gia tăng chi phí cho hoạt động xuất khẩu cà-phê. Đa phần các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập hàng mới từ nông dân ở mức cao sau đó xuất khẩu, nên biên lợi nhuận từ chênh lệch giá thấp.
Ngoài ra, sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một thách thức. Dòng vốn dồi dào từ các doanh nghiệp FDI, trong khi ít chịu ảnh hưởng hơn bởi biến động lãi suất tại Việt Nam do lợi thế dòng vốn được đầu tư từ nước thứ hai. Điều này đã giúp các đơn vị gom hàng của nông dân sau khi hoạt động thu hoạch diễn ra, thời điểm giá cà-phê nội địa tại Việt Nam chỉ đang dao động dưới 50.000 đồng/kg.
Sự chênh lệch trong dòng vốn tại thời điểm giá cà-phê cao khiến việc xuất khẩu cà-phê từ Việt Nam ra quốc tế có lợi cho các doanh nghiệp FDI. Dù việc xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI vẫn được tính vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của quốc gia, nhưng những tác động thực sự về kinh tế và lợi ích mang lại cho người dân trong nước vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, với nỗ lực khơi thông tín dụng, và xu hướng hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, cũng đã mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn cho các doanh nghiệp trên thị trường nội địa. Đồng thời, việc hạ lãi suất cũng góp phần làm giảm áp lực tỷ giá. Giá trị đồng nội tệ thấp hơn sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiềm lực xuất khẩu.
Giải quyết triệt để câu chuyện “cũ”
“Trong khi nguồn cung khan hiếm tại Việt Nam, Brazil đang đẩy mạnh bán hàng với mục tiêu tranh thủ mức giá cao và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cà-phê. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục triệt để những khó khăn, tạo nền tảng tốt để chúng ta sớm trở lại đường đua xuất khẩu và củng cố cho vị thế số 1 trên thị trường cà-phê Robusta. Xa hơn nữa là hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững cho ngành cà-phê Việt”, ông Quang Anh cho biết thêm.
Để hướng tới những mục tiêu bền vững, việc trước mặt là giải quyết bài toán về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp FDI. Đây vốn là một bài toán “cũ” đã từng có giải pháp từ chục năm trước.
Từ ngày 7/6, Bộ Công Thương quy định cấm doanh nghiệp FDI thu mua trực tiếp nông sản của Việt Nam trước tình trạng lấn át xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Với bối cảnh thị trường cà-phê hiện tại, giải pháp trên dường như không còn hữu hiệu. Nhìn sâu vào vướng mắc, sự chênh lệch về vốn và khả năng dự báo những biến động thị trường tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp cà-phê nội địa và doanh nghiệp FDI.
Trong vấn đề vốn, sự can thiệp từ phía Nhà nước với những ưu đãi về lãi suất trước bối cảnh chi phí đi vay của các doanh nghiệp ở mức cao như hiện tại là điều cần thiết. Giải pháp này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm dư lượng vốn cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Đây không chỉ phương án giải quyết hướng tới vấn đề ổn định nguồn cung cà-phê cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, còn là bài toán làm chủ của thị trường nội địa.
Song song với đó, việc nâng cao công tác thống kê và dự báo những dữ liệu trên thị trường cà-phê cũng cần được chú trọng và đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, công tác này vẫn còn rất yếu tại Việt Nam, nông dân hay người tham gia vào thị trường thiếu vắng những thông tin chung, khiến họ trở nên dè dặt với những chiến lược mang tính dài hạn và phù hợp với xu hướng thị trường.
Như vậy, dù là giải quyết bài toán trong ngắn hạn hay hướng tới sự phát triển lâu dài của ngành cà-phê Việt, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là việc giải quyết triệt để vấn đề vốn mỏng của doanh nghiệp cà-phê nội địa, đồng thời nâng cao khả năng thống kê và dự báo dữ liệu thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!