Những năm gần đây, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các chợ truyền thống, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về hoạt động thương mại và chuyển đổi số trong thương mại cho cán bộ quản lý nhà nước lĩnh vực thương mại, ban quản lý các chợ và hộ tiểu thương.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 84 chợ đang hoạt động, trong đó có 10 chợ hạng 2 và 74 chợ hạng 3. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của người dân địa phương.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, đã có nhiều hình thức kinh doanh thương mại mới, văn minh hiện đại hơn so với các chợ truyền thống, như Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử và kinh doanh qua mạng xã hội... Điều này đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ truyền thống, do hình thức mua bán trực tiếp và sử dụng tiền mặt để thanh toán là chủ yếu. Để từng bước bắt kịp xu hướng mua bán, trao đổi hàng hóa theo hướng hiện đại, tăng tính cạnh tranh, các hộ tiểu thương phải thay đổi tư duy, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh.
Năm 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về hoạt động thương mại và chuyển đổi số trong thương mại cho cán bộ quản lý, hộ tiểu thương trên địa bàn các huyện, thành phố. Tiến sỹ Đặng Vũ Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: Lợi ích của chuyển đổi số mang lại là tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, tăng kỹ năng và chất lượng sản phẩm. Qua các lớp tập huấn, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay của các địa phương.
Tuy nhiên, để áp dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, thì tiểu thương cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, kỹ năng bán hàng online; xây dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu cá nhân. Đồng thời, áp dụng phương thức thanh toán điện tử vì nhanh chóng, tiện dụng, phù hợp nhu cầu thị trường; dễ dàng kiểm soát và hạn chế rủi ro khi dùng tiền mặt.
Bà Vũ Thị Hương, tiểu thương chợ Trung tâm Thành phố, chia sẻ: Cửa hàng của tôi chuyên bán các mặt hàng gia dụng. Từ khi trên địa bàn Thành phố xuất hiện Trung tâm thương mại, chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện ích... lượng khách hàng vào chợ mua sắm giảm mạnh. Để nâng cao sức cạnh tranh, tôi đã cài đặt QR-Code, quảng bá sản phẩm trên facebook, zalo... Bước đầu đã có đơn hàng liên hệ đặt mua sắm qua các ứng dụng, nhiều khách hàng khi đến mua hàng thanh toán bằng cách chuyển khoản, quét QR-Code rất tiện lợi.
Thúc đẩy việc chuyển đổi số, trong đó có việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, UBND Thành phố đã phối hợp với Viettel Sơn La, VNPT Sơn La triển khai mô hình chợ 4.0. Tham gia mô hình, các tiểu thương, khách hàng được hướng dẫn cài đặt app, đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ Viettel Money, VNPT Money trên smartphone; xây dựng các điểm nạp, rút tiền, tạo các điểm chấp nhận thanh toán bằng QR và các ứng dụng tại các gian hàng, ki ốt trong chợ; hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến, không cần dùng tiền mặt. Đến nay, mô hình được nhân rộng tới hầu hết các chợ địa bàn Thành phố.
Ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý chợ trung tâm Thành phố, thông tin: Qua tập huấn, giúp cán bộ quản lý chợ, doanh nghiệp, thương nhân nắm bắt được yêu cầu phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, Ban quản lý chợ đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, các ngân hàng thương mại lập các điểm giao dịch quét QR-code thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký các sàn thương mại điện tử.
Chợ truyền thống là loại hình kinh doanh thương mại có từ rất lâu đời, duy trì và phát triển hiệu quả mạng lưới chợ sẽ góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và kinh doanh dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!