Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp lo lắng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện không ít doanh nghiệp gia công da giày, chế biến gỗ, cơ khí,... đang đối diện thực tế hết sức nan giải là đơn hàng từ đối tác cũng như nhu cầu trên thị trường đột ngột giảm mạnh, tác động trực tiếp đến việc làm và thu nhập người lao động. Thực trạng này đang khiến không ít chủ doanh nghiệp lo lắng bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ phải tính đến phương án “chẳng đặng đừng” là cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất.

Công nhân Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh trong dây chuyền sản xuất. (Ảnh THẾ ANH)
Công nhân Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh trong dây chuyền sản xuất. (Ảnh THẾ ANH)

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp có mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% trong quý II/2022 xuống còn 65% của quý IV/2022. Ðây đó đã thấy dấu hiệu một số doanh nghiệp cho người lao động làm việc luân phiên hoặc nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày do không có đơn hàng dự trữ. Ðây là tín hiệu báo động của thị trường lao động trong thời gian sắp tới.

Bức tranh nhiều màu xám

Ðưa cho chúng tôi xem thông tin về sản lượng giày thể thao sẽ gia công cho một nhãn hiệu nổi tiếng từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay, ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (Quận 12) thở dài: “Chỉ còn khoảng 187.000 đôi một tháng thay vì 300.000 đôi như trước đây. Sản phẩm giảm 40% do đối tác giảm đơn hàng, doanh thu ảnh hưởng, công nhân không có việc. Sang tháng 6, tháng 7, tình hình có vẻ còn bi đát hơn vì chưa thấy có tín hiệu gì lạc quan”. Theo ông Bình, trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, công ty chưa từng gặp tình huống khó khăn như hiện nay.

Ðể lập phương án sản xuất, sử dụng lao động cho phù hợp thực tế, ông Bình cùng Ban Giám đốc công ty đã phải nhiều lần ngồi họp bàn tìm giải pháp, trong đó làm sao sắp xếp công việc để 2.500 công nhân vẫn có thể làm việc tám tiếng một ngày, một tuần làm sáu ngày, bảo đảm không bị mất việc, giảm việc,... nhằm giữ ổn định thu nhập. Ðại diện Công đoàn công ty cho hay, do giảm đơn hàng, nên khả năng thu nhập tháng 2 của công nhân sẽ giảm khoảng 50%, bình quân còn khoảng 5,5 triệu đồng, trong khi những tháng cuối năm 2022 và tháng 1 vừa qua, công ty vẫn bảo đảm mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng cho mỗi công nhân. Theo nhận định của đại diện Công đoàn công ty, đây là mức thu nhập sụt giảm sâu, dù trước đó công ty vẫn duy trì lương, thưởng và các chế độ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Là doanh nghiệp chuyên gia công da giày có nhiều lao động nhất Thành phố Hồ Chí Minh (gần 50.600 người), chiều 24/2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam chính thức công bố cắt giảm 2.358 lao động, với hình thức “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động”. Dự kiến hôm nay (25/2), công ty sẽ có buổi tiếp xúc, thông tin về chế độ, chính sách cụ thể với người lao động. Doanh nghiệp cũng sẽ có cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin thường xuyên cho các cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó kịp thời. Ðại diện công ty cho biết, việc cắt giảm lao động không chỉ diễn ra ở đơn vị, mà còn ở nhiều doanh nghiệp khác.

Từ quý IV/2022, trước bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, công ty đã cố gắng bố trí, sắp xếp việc làm cho người lao động yên tâm. Công ty cũng nỗ lực thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động với mức thưởng cao nhất 2,2 tháng lương. Do tình hình đơn hàng khó khăn, trước đó, tháng 11/2022, công ty đã cho gần 20.000 công nhân lao động sắp xếp nghỉ luân phiên.

Trước đó, cũng do không có đơn hàng nên cuối năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) đã cắt giảm hơn 1.400 công nhân. Hiện tại, ngoài tạm hoãn hợp đồng lao động với khoảng 500 lao động, nhiều lao động khác cũng đang bị bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương.

Ban Giám đốc công ty chia sẻ: Những tưởng sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và có những dấu hiệu “ấm lên”, nhưng bất ngờ bị tác động đột ngột do đơn hàng từ đối tác cắt giảm, đã khiến cho doanh nghiệp không kịp trở tay. Do đó, việc cắt giảm lao động là sự lựa chọn cuối cùng và chẳng đặng đừng của doanh nghiệp.

Thông tin cho một số lượng lớn lao động nghỉ luân phiên, hoặc không ký lại hợp đồng, hoặc cắt giảm nhân sự diễn ra rất phổ biến tại nhiều doanh nghiệp với số lượng lớn thật sự là “bức tranh” xám màu lo lắng của cả công nhân lẫn chủ doanh nghiệp...

Sắp xếp lại phương án sản xuất

 

Suy thoái kinh tế khiến đơn hàng giảm, kéo theo nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng khó khăn hơn. Sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nhân công và chi phí, trong đó giải pháp cắt giảm lao động là điều chẳng đặng đừng nhưng trong tình thế này doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để lựa chọn giải pháp tối ưu.

Chia sẻ giải pháp của công ty, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc, Hà Quang Tuyến cho biết: Với tình hình đơn hàng sụt giảm, công ty sẽ vận động người lao động không làm ngày thứ Bảy nhưng không nhận lương chờ việc, nghỉ ngày thứ Bảy hoặc nghỉ luân phiên. Ðồng thời công ty không tuyển dụng mới nhân sự, dồn dây chuyền sản xuất để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kể cả tiết kiệm chi phí điện, nước. “Người lao động cùng nhau chia sẻ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp là điều cần nhất lúc này”, ông Tuyến bày tỏ.

Dự phòng trong tình huống thiếu đơn hàng kéo dài đến quý II, công ty sẽ thực hiện phương án cắt giảm khoảng 700 đến 800 người lao động, chủ yếu là các bộ phận dư thừa, công nhân hết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, như Ban Giám đốc công ty khẳng định, giải pháp cắt giảm lao động vẫn là lựa chọn cuối cùng. Ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc công ty cho biết thêm: Hiện công ty đã tìm kiếm các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, khách hàng đặt may gia công các mặt hàng tương tự để tạm thời lấp chỗ trống cho đơn hàng bị cắt giảm, hy vọng trong những tháng tiếp theo, tình hình sẽ ổn định hơn, doanh nghiệp mới có cơ hội phục hồi sản xuất.

Tương tự, qua ghi nhận nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm cuối năm 2022 cũng như hiện tại, vì không có đơn hàng, nên đã thỏa thuận với người lao động, bằng cách doanh nghiệp hỗ trợ người lao động một khoản lương trong lúc chờ việc; tiến hành dồn dây chuyền, nghỉ luân phiên, làm sao để vừa duy trì công việc vừa bảo đảm nguồn thu nhập đủ để người lao động trang trải,...

Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý IV/2022 và quý I/2023, số khách hàng giảm sút, không đặt đơn hàng mới, hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá; hoặc nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so mức bình thường, thậm chí có trường hợp chỉ bằng 40% là tình trạng diễn ra khá phổ biến. Hệ quả từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động lẫn thu hẹp quy mô sản xuất,...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Một số ngành đang gặp khó khăn nghiêm trọng về đơn hàng như da giày, mỹ nghệ, chế biến gỗ, bất động sản, vật liệu xây dựng,... Từ quý IV/2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ chiếm 22% tổng số doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở quý III/2022 là 26%.

Về lực lượng lao động, một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ Tết dài ngày với lý do không có đơn hàng dự trữ. Ðây là điều bất thường so với các năm trước, tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thinh cho rằng: Với những khó khăn của doanh nghiệp, đòi hỏi cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn mang tính tổng thể từ nhiều cơ quan, trong đó có chính sách về hỗ trợ tín dụng, thuế, giá thuê đất; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, liên kết để kết nối trực tiếp thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới.

Sở đề nghị chính quyền cơ sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc tình hình quan hệ lao động để kịp thời phối hợp các cơ quan liên quan, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ðặc biệt, kịp thời nắm bắt thông tin doanh nghiệp cho nhiều người lao động nghỉ việc do sắp xếp cơ cấu bộ máy hoặc không tiếp tục ký hợp đồng lao động để nhanh chóng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ngành nghề, hoặc theo nguyện vọng người lao động.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.