Chi phí sản xuất hạ nhiệt, ngành vật liệu xây dựng vẫn ở thế khó

Giá nguyên liệu đầu vào cho ngành thép dần hạ nhiệt, doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi khi sức ép chi phí giảm bớt. Tuy nhiên, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn neo ở mức cao, trong khi thách thức chung mà toàn ngành vấp phải là bài toán tìm nguồn đầu ra. Điều này đòi hỏi cần phải đa dạng hóa việc tiếp cận nhu cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Áp lực chi phí đầu vào giảm, giá thép hạ nhiệt

Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 4, giá thép nội địa đã được điều chỉnh giảm sâu 2 lần, sau 6 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Hiện tại, giá bán thép cuộn CB240 của thương hiệu Hòa Phát đang ở mức 15.200 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.580 đồng/kg. Tổng mức giảm sau 2 lần điều chỉnh rơi vào khoảng 410.000-720.000 đồng/tấn.

Như vậy, giá thép Hòa Phát chỉ còn cao hơn mức giá hồi đầu năm 180.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và 640.000 đồng/tấn đối với thép cây.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá quặng sắt, nguyên liệu chiếm khoảng 36% trong chi phí sản xuất thép đã hạ nhiệt trong thời gian qua, góp phần làm giá thép suy yếu.

Nguyên nhân cốt lõi là do tiêu thụ tại Trung Quốc - quốc gia chiếm khoảng 70% tổng cầu quặng sắt trên thế giới tương đối yếu so với kỳ vọng, bất chấp việc mở cửa trở lại. Điều này làm giảm bớt sự cạnh tranh đối với nguồn cung, khiến giá sắt liên tục giảm kể từ giữa tháng 3.

Chi phí sản xuất hạ nhiệt, ngành vật liệu xây dựng vẫn ở thế khó ảnh 1

Ngoài ra, giá một số nguyên liệu đầu vào khác cũng hạ nhiệt đáng kể. Giá than luyện cốc tại Trung Quốc tính đến giữa tháng 4 đã giảm 50% so với mức đỉnh thiết lập hồi quý I/2022 và giảm 36% so với hồi đầu năm.

Giá phôi thép cũng đã quay đầu giảm sau đợt phục hồi trong quý I, hiện đang thấp hơn khoảng 60-70 USD/tấn so cùng kỳ tháng trước.

Giá cát xây dựng tăng vọt

Giá thép hạ nhiệt theo giá nguyên liệu sản xuất, nhưng giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn còn neo ở mức cao. Điển hình nhất là giá cát xây dựng tại nhiều địa phương liên tục tăng mạnh trong giai đoạn gần đây do tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Số liệu của Vụ Vật liệu Xây dựng cho biết, công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm. Tuy nhiên, nhu cầu cát xây dựng cả nước đạt khoảng 130 triệu m3/năm, nên nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ nhiều địa phương khiến giá cát hiện đã có nơi tăng lên hơn 350.000 đồng/m3, cao hơn nhiều so với mức trung bình 230.000-250.000 đồng/m3 thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Trái với thị trường cát xây dựng, giá xi-măng hiện đang không quá biến động, nhưng ngành xi-măng tiếp tục chật vật cân đối cung-cầu, để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng.

Mặc dù bối cảnh các thị trường khác nhau, tuy nhiên điểm thách thức chung của toàn ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt đó là bài toán đi tìm nguồn lực tiêu thụ.

Áp lực tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gia tăng

Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất thép thành phẩm trong tháng 3 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với trước nhưng giảm 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng 2 nhưng giảm 29% so với cùng kỳ.

“Nhìn chung, ngành bất động sản vẫn đang còn gặp nhiều thách thức về nguồn vốn, công trình đầu tư đối với khu vực tư nhân vẫn còn khá khó khăn. Khoảng 60% lượng thép được sử dụng cho xây dựng dân dụng. Do đó, tình hình tiêu thụ và sản xuất trong nước vẫn đang khá yếu. Nhu cầu đối với các vật liệu xây dựng khác cũng sẽ gặp phải tình hình tương tự”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết.

Chi phí sản xuất hạ nhiệt, ngành vật liệu xây dựng vẫn ở thế khó ảnh 2

Báo cáo từ Hiệp hội Xi-măng Việt Nam dự kiến nguồn cung sẽ đạt khoảng 120,7 triệu tấn trong năm 2023, trong khi tổng nhu cầu gồm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ đạt khoảng 100-105 triệu tấn. Nhu cầu xi-măng trong nước được dự báo chỉ ở mức 63-65,5 triệu tấn.

Mối lo kép hình thành khi xuất khẩu vật liệu xây dựng cũng gặp khó, do nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với rủi ro suy thoái.

Ngoài ra, tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon”, dự kiến sẽ bắt đầu thí điểm từ tháng 10/2023. Sắt thép, xi-măng, nhôm, phân bón, điện và hydro, sẽ là những sản phẩm chịu thuế carbon khi xuất khẩu sang EU. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của khu vực này.

Xi-măng Việt Nam xuất khẩu vào EU chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch, nhưng ngành này chiếm khoảng 57% khí CO2 trong quá trình sản xuất. Đối với thép, khoảng 16% lượng thép của Việt Nam được xuất khẩu sang EU, trong khi mức phát thải gấp hơn 2 lần so với việc sản xuất xi-măng.

Nỗ lực đi tìm điểm sáng

“Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng một vài điểm sáng về đầu tư công có thể hỗ trợ cho triển vọng tiêu thụ vật liệu xây dựng nội địa, trong khi một số thị trường quốc tế mới nổi sẽ tháo gỡ phần nào áp lực về xuất khẩu”, ông Quang Anh đánh giá.

Ngân sách dành cho đầu tư công trong năm 2023 tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704 nghìn tỷ, với tỷ lệ giải ngân mục tiêu từ chính phủ là 95%. Đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã được Chính phủ đẩy mạnh.

Chi phí sản xuất hạ nhiệt, ngành vật liệu xây dựng vẫn ở thế khó ảnh 3

Bất động sản tư nhân còn nhiều trở ngại, nhưng những nỗ lực tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất Ngân hàng Nhà nước được điều chỉnh giảm, có thể sẽ từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp, và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Quang Anh, về xuất khẩu, bên cạnh việc gia tăng chất lượng, bảo đảm vị thế cạnh tranh, việc tìm kiếm thị trường mới cũng là điều tất yếu.

Mới đây, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhu cầu vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép tại quốc gia này dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số khoảng 11,3% trong năm 2023, do sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ nhằm cơ sở hạ tầng hoá, thúc đẩy nền kinh tế.

Hiện tại, Ấn Độ chiếm khoảng 15% cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam. Với tiềm năng lớn trong tương lai, con số này hoàn toàn có thể được nâng lên, và các sản phẩm khác trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam ngoài thép sẽ được mở rộng xuất khẩu.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Thể thao -
    Qua 2 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24-11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024, do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đồng Xoài, Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức, Tập đoàn Trường Tươi là nhà tài trợ chính của giải, đã diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông; khoảng đêm 25/11 được tăng cường mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ít thay đổi. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời lạnh, vùng núi cao trời rét.
  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).