Xác định nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, huyện Thuận Châu đã ban hành các kế hoạch, đề ra nhóm giải pháp cụ thể, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong công tác giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Thuận Châu.
Chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở khảo sát mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh hằng năm. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát. Chỉ số DDCI gồm 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; khả năng tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh; hiệu quả trong cấp phép, thanh tra, kiểm tra và an ninh trật tự; hiệu quả của thủ tục thuế; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo huyện; hiệu quả công tác đối thoại và trách nhiệm giải trình; minh bạch thông tin và đối xử công bằng; hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và bộ phận một cửa; hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh doanh; chi phí không chính thức. Theo kết quả đánh giá chỉ số DDCI của tỉnh, năm 2019, huyện Thuận Châu đứng ở vị trí thứ 9/12 huyện, thành phố với tổng điểm bình quân là 7,17 điểm. Trong đó có 5 nhóm chỉ số thành phần nằm trong tốp cao của bảng xếp hạng DDCI, đó là: Chi phí không chính thức 8,4 điểm; hiệu quả của thủ tục thuế 7,69 điểm; hiệu quả cải cách TTHC và bộ phận một cửa 7,46 điểm; chi phí gia nhập thị trường 7,41 điểm; hiệu quả trong cấp phép, thanh tra, kiểm tra và an ninh trật tự 7,05 điểm. Tuy nhiên, vẫn còn 5 chỉ số thành phần còn lại đang xếp ở thứ hạng trung bình và thấp.
Với quyết tâm cải thiện thứ hạng, nâng cao chỉ số DDCI trong năm 2020, huyện Thuận Châu đã ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong đó, xây dựng chính quyền phục vụ được coi là nội dung trọng yếu, xuyên suốt của kế hoạch và là cơ sở để nâng cao các chỉ số thành phần. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cải cách hành chính; rà soát công khai, minh bạch, đơn giản hóa các TTHC trên Trang thông tin điện tử của huyện và niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi trực tiếp giải quyết TTHC. Trong đó, chú trọng không để xảy ra và xử lý nghiêm khắc hiện tượng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết TTHC, công việc của cơ quan, bảo đảm doanh nghiệp và người dân không phải trả bất kỳ chi phí không chính thức nào. Đặc biệt, huyện tiếp tục duy trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, để có thể xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tiếp thu và có phản hồi chính thức với doanh nghiệp. Ngoài ra, huyện tăng cường đầu tư đồng bộ, hiện đại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã, thị trấn; triển khai lắp đặt hòm thư góp ý tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá trách nhiệm của các đơn vị và cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện tiếp nhận, xử lý TTHC trên môi trường mạng; duy trì giải quyết tối đa trong 2 ngày làm việc các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.
Là đầu mối chủ trì, theo dõi và thực hiện chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã minh bạch hóa thông tin thông qua việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận các thông tin về đất đai. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các chính sách về quản lý, sử dụng đất đai tới người dân; nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó là rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân; tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 thị tứ Tông Lạnh lên thị trấn Tông Lạnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Púng Tra để triển khai các dự án; chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 của 4 xã (Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng La, Mường Bám). Hằng tuần, tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ và triển khai kế hoạch tuần tiếp theo. Các văn bản liên quan đến giải quyết công việc, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đều được phòng thực hiện đúng và trước hạn.
Với sự quyết tâm cao và đưa ra những giải pháp cụ thể, huyện Thuận Châu đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư; mở rộng diện khảo sát việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm mục tiêu tăng hạng chỉ số DDCI năm 2020.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!