Phổng Lập tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Phổng Lập (Thuận Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai thác lợi thế về đất đai, lao động tại địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống.

 

Mô hình trồng chè của người dân bản Nà Khoang (Phổng Lập).

 

Xã Phổng Lập có 13 bản, 1.187 hộ với hơn 5.600 nhân khẩu. Toàn xã có trên 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây người dân chủ yếu là trồng ngô, sắn nhưng do đất dốc, bạc màu, bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Trao đổi với ông Lường Văn Thuật, Chủ tịch UBND xã, được biết, những năm qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; cải tạo vườn cây ăn quả, chuyển đổi các diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: chè, cà phê, chanh leo...; xã đã cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể và cơ quan chuyên môn huyện xuống từng bản họp, tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập các mô hình trồng chè thâm canh có năng suất cao ở một số địa phương trong huyện. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án xây dựng những mô hình phát triển kinh tế để bà con học tập; chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ các quy trình kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện cung ứng các loại cây giống. Hiện nay, toàn xã đã có 135 ha cây chè, gần 100 ha cà phê và 39 ha cây chanh leo, 12 ha xoài ghép.

 

Cùng cán bộ xã đi thăm một số mô hình trồng chè ở bản Nà Khoang. Dọc hai bên đường trước đây là những nương ngô, nương sắn, nay đã được phủ lên màu xanh của cây chè. Anh Lường Văn Nhớ, Bí thư chi bộ bản Nà Khoang cho biết: Bản có 76 hộ, hơn 350 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nguồn thu nhập chính của các hộ dân là từ sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, được các chương trình, dự án hỗ trợ, Chi bộ bản đã tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng cây cà phê, chè, chanh leo thay thế cho diện tích ngô, sắn năng suất thấp, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hiện cả bản có 17 ha chè. Ngoài ra, người dân còn tận dụng diện tích đất đồi để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm các loại của bản đạt trên 1.400 con.

 

Gia đình ông Lò Văn Chiến, bản Nà Khoang, là một trong những hộ được hỗ trợ trồng chè từ nguồn vốn Chương trình 135, ông Chiến chia sẻ: Năm 2016, bản được Chương trình 135 hỗ trợ trồng hơn 9 ha giống chè LPD1, trong đó, gia đình tôi trồng gần 1 ha. Ngoài ra, tôi cũng đã cải tạo, thay thế hơn 1 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng chanh leo, hiện nay với 2 ha chè và chanh leo, thu nhập bình quân của gia đình đạt gần 90 triệu đồng/năm.

 

Có thể thấy, với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng chè và chanh leo, phấn đấu đến hết năm 2020, trồng mới được 12 ha chè, trồng thay thế 20 ha chanh leo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân, góp phần nâng cao mức thu nhập, thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới