Những người “giữ và truyền lửa” của bản mường

“Gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm, luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền đồng bào đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa... Đó là những nét khắc họa nổi bật nhất về những người có uy tín huyện Thuận Châu được ví như những người “giữ và truyền lửa” của bản mường đang truyền niềm tin, khát vọng cho bà con các dân tộc nơi đây vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Người có uy tín bản Chà Mạy, xã Long Hẹ hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây sơn tra.

 

Thuận Châu hiện có 381 người có uy tín, gồm: Già làng, bí thư chi bộ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi... được người dân trong cộng đồng suy tôn, tín nhiệm. Điều đáng trân trọng, nhiều người tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết tham gia công tác ở cơ sở, là nòng cốt quan trọng, là cầu nối với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc giữ vững an ninh trật tự xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Chúng tôi lên xã vùng cao Long Hẹ tìm gặp ông Vàng Dúa Di, Bí thư chi bộ. Không chỉ là cán bộ bản mà ông còn là người có uy tín tiêu biểu của bản Chà Mạy. Từ trung tâm xã Long Hẹ, di chuyển bằng xe máy mất hơn 1 giờ đồng hồ nữa, qua những tuyến đường xuyên qua những cánh rừng rậm, chúng tôi mới đến được nhà ông Di. Không khác nhiều so với lời nhận xét của cán bộ xã khi kể về ông. Thoạt nhìn và tiếp xúc, đó là một người rắn rỏi, nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng và nụ cười thân thiện.

Năm nay 62 tuổi, gắn bó cả đời với vùng cao nên ông Vàng Dúa Di chứng kiến nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào mình. Ông bảo: Trước đây, người dân trong bản sống di cư tự do, tảo hôn, trồng cây thuốc phiện; tồn tại nhiều hủ tục, như thách cưới cao ít nhất 10-20 đồng bạc trắng hay người chết để trong nhà 4,5 ngày, mỗi ngày mổ 1 con bò hoặc trâu để làm ma, rất tốn kém. Nhiều gia đình không có tiền phải vay mượn mua trâu bò, có khi cả đời con mới trả hết nợ, cái vòng nghèo đói luẩn quẩn hết đời này sang đời khác... Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, tôi nghĩ, mình phải tiên phong đi trước, mình làm được, mới tuyên truyền, vận động được bà con làm theo.

Kể về ông Vàng Dúa Di, ông Vàng A Và, người dân cùng bản Chà Mạy, nhớ lại: Thời điểm đó, ông Di đến vận động trưởng dòng họ, rồi đến từng nhà dân tuyên truyền vận động, nhưng bà con trong bản không một ai dám thay đổi tục lệ, sợ người trong dòng họ, sợ tổ tiên quở trách. Là trưởng dòng họ Vàng, ông Di đã gương mẫu thực hiện trước trong gia đình. Khi con gái đi lấy chồng, gia đình ông không thách cưới, chỉ lấy 500 nghìn đồng và tổ chức cưới gọn nhẹ. Khi gia đình có người qua đời, ông Di họp gia đình, thống nhất tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, đưa người mất vào áo quan, để trong nhà không quá 2 ngày...

 

Ông Vàng Dúa Di (thứ 2 bên phải sang), người có uy tín bản Chà Mạy, xã Long Hẹ tuyên truyền vận động bà con trong bản thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không”.

Đúng là “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, thấy ông Di thực hiện việc cưới, việc tang trong gia đình vừa tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường, ngoài dòng họ Vàng của ông, còn có 3 dòng họ: Thào, Sùng, Lầu trong bản đồng thuận làm theo. Điều mừng nhất là người dân trong bản không còn di cư tự do, yên tâm lao động sản xuất trên quê hương mình. Cuộc sống ở bản Chà Mạy từng ngày khởi sắc, đời sống của bà con được nâng lên, những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; hủ tục lạc hậu bị loại bỏ; bản Chà Mạy đã có nhiều người đang tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị của Trung ương, tỉnh, huyện và xã; nhiều con em đang học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh.

Chia tay Chà Mạy, chúng tôi đến bản tái định cư Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Tản bộ cùng cán bộ xã trên tuyến đường liên bản đổ bê tông sạch sẽ, tôi thấy ấm lòng, bởi người dân nơi đây luôn đoàn kết, chung sức làm đẹp quê hương. Ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, chia sẻ: Trước đây, đường nội bản rải cấp phối, mặt đường gồ ghề, người dân đi lại rất khó khăn. Để làm được con đường trên 2 km này, phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của ông Lò Văn Lợi, người có uy tín của bản, góp phần để xã Phổng Lái hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2017.

Thực hiện chủ trương làm đường giao thông nông thôn, tuyến đường liên bản đi qua diện tích vườn của gia đình ông Lợi gần 400m² với nhiều cây ăn quả và cà phê đã cho thu hoạch. Vì sự nghiệp chung, ông Lợi tự nguyện chặt cây, hiến đất làm đường. Thấy vậy, nhiều hộ trong bản đã noi gương ông, tự nguyện hiến 50 đến 60 m² cùng nhiều hoa màu trên đất. Cùng với đó, ông Lợi còn tích cực tuyên truyền để bà con dân bản hiểu lợi ích của xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh, động viên bà con vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Việc gì ông đều cùng gia đình tiên phong làm trước, từ đó, các hộ dân khác trong bản cũng tích cực làm theo. Ông Lợi kể với tôi, ông luôn tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình cùng bà con đưa xã Phổng Lái đạt chuẩn nông thôn mới.

Đường giao thông nông thôn bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu) khang trang, sạch, đẹp nhờ đóng góp của người có uy tín.

Còn tại xã Thôm Mòn, ai cũng biết ông Lò Văn Phin, bản Nà Nam. Ông Phin có “thâm niên” 26 năm làm trưởng bản và hơn chục năm là người uy tín của bản. Ấn tượng của chúng tôi về Trưởng bản “miệng nói, tay làm” - tên gọi thân thương dân bản đặt cho ông, là sự giản dị, gần gũi. Ông Phin cho biết: Bản Nà Nam có 64 hộ, 315 nhân khẩu, nhưng giờ chỉ còn 2 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo. Kết quả đó, tôi đã tham mưu với Ban quản lý bản họp bàn và thống nhất, phải gương mẫu, đi trước, làm trước để dân bản làm theo. Tôi quyết định đào ao thả cá và nấu rượu, có vốn chăn nuôi thêm lợn, gà. Hiện, tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, nhiều gia đình học theo. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo trong bản con giống để phát triển sản xuất, thoát nghèo.

 

Ông Lò Văn Phin, người có uy tín ở bản Nà Nam, xã Thôm Mòn (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm cho người dân phát triển chăn nuôi lợn, xóa đói giảm nghèo.

 

Một trong số hộ được ông Phin giúp đỡ thoát nghèo là hộ ông Lò Văn Inh. Ông Phin đã hỗ trợ gia đình ông Inh 2 con lợn và truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc lợn, đến nay, gia đình ông Inh đã thoát nghèo, trở thành hộ thu nhập khá trong bản. Ông Inh chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, nếu không được ông Phin nhiệt tình giúp đỡ phát triển kinh tế, thì có lẽ giờ đây, gia đình tôi vẫn chưa thể thoát nghèo và không có tiền nuôi các con ăn học, xây được ngôi nhà khang trang như thế này.

Ngoài những người “giữ và truyền lửa” như ông Di, ông Lợi hay ông Phin, thì huyện Thuận Châu còn hơn 300 người có uy tín khác. 10 năm qua, những người uy tín đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tham gia hòa giải, giải quyết hơn 300 vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT; xóa bỏ hơn 3 ha cây thuốc phiện, ngăn chặn nhiều vụ truyền đạo trái phép, di cư tự do; phối hợp tuyên truyền, vận động người dân hiến 77 ha đất, hoa màu và góp hơn 310.000 ngày công lao động, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới; phối hợp vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đạt 500 ha cây ăn quả... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2020 chỉ còn 30,22%.

Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Với vốn hiểu biết, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa các dân tộc, người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong việc vận động người dân giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực vận động con cháu trong dòng họ đến lớp, đến trường học tập, tham gia xây dựng quỹ khuyến học, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, trong số 381 người có uy tín trên địa bàn huyện Thuận Châu, có 94 người uy tín là đảng viên. Hơn nữa, số lượng người uy tín là bí thư chi bộ kiêm trưởng bản ngày một tăng trong những năm gần đây, cho thấy các đảng viên đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, là hạt nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu biểu dương, tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2020.

Những người “giữ và truyền lửa” cho dân bản của huyện Thuận Châu đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.