Từ thị trấn Thuận Châu theo tỉnh lộ 108, chúng tôi đến với xã Co Mạ (Thuận Châu). Vùng cao Co Mạ hôm nay nhộn nhịp và sầm uất, đổi thay rõ rệt, đời sống đồng bào dân tộc Mông ngày càng sung túc, những căn nhà làm bằng tre, nứa trước kia dần được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố.
Người dân đến mua sắm tại chợ phiên vùng cao Co Mạ.
Đến Co Mạ đúng hôm chợ phiên nhộn nhịp. Đây là chợ phiên cụm 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Các mặt hàng chợ phiên vùng cao khá phong phú, như: Bánh kẹo, các phụ kiện, hoa văn trang trí váy áo và nhiều sản vật địa phương, như: Lợn cắp nách, dưa mèo, rượu ngô... Nắm bắt nhu cầu của người dân, nhiều tiểu thương ở dưới huyện Thuận Châu mang lên đủ loại hàng hóa để phục vụ bà con.
Điểm lại những dấu mốc phát triển của địa phương, đồng chí Thào A Tủa, Bí thư đảng ủy xã Co Mạ, cho biết: Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, cách đây hơn một thập niên về trước, người dân nơi đây nghèo đói vì tập quán canh tác lạc hậu, các giống cây trồng cũ, năng suất kém và giá trị kinh tế thấp. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng được đầu tư, người dân được tham gia đào tạo kỹ thuật chăm sóc, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, chuyển đổi cây trồng ngắn ngày sang trồng cây ăn quả.
Phát huy hiệu quả các chương trình dự án của Trung ương và địa phương, xã Co Mạ đã tập trung triển khai hỗ trợ thực hiện một số mô hình về phát triển kinh tế, giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Năm 2019, xã Co Mạ đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phòng chống đói, rét cho gia súc với gần 300 lượt người; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, phun trị bệnh trên cây xoài, nhãn, sơn tra, chanh leo cho trên 130 lượt người. Đến nay, toàn xã có 300 ha cây sơn tra, gần 100 ha cây ăn quả (nhãn, xoài, chanh leo...). Chăn nuôi tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập. Các hoạt động thương mại, dịch vụ của người dân trong xã cũng đa dạng, như: May mặc, vật tư nông nghiệp, điện, nước, dịch vụ vận tải... Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng chanh leo, nghệ tươi, cây ăn quả... đã đem lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.
Anh Vàng Giống Nhìa, bản Co Mạ, phấn khởi: Sau ba năm trồng và chăm sóc, đến nay 3 ha cây sơn tra của gia đình đã bắt đầu cho thu lứa quả đầu tiên. Cùng với đó, gia đình còn thâm canh ngô, sắn, chăn nuôi 10 con bò. Tổng nguồn thu của gia đình năm vừa qua được trên 100 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Còn chị Giàng Thị Mai, bản Pha Khuông phấn khởi vì năm vừa qua gia đình chị có thêm khoản thu hơn 20 triệu đồng từ việc trồng chanh leo. Bên cạnh đó, việc duy trì trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị.
Bên cạnh việc hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xã Co Mạ cũng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới; phát động toàn dân vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý rác thải và đổ rác đúng nơi quy định; tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng cao Co Mạ càng thêm quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!