Xã Phổng Lái được nhiều người biết đến với sản phẩm chè nổi tiếng nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại. Nơi đây, những búp chè dưới bàn tay chăm sóc của nông dân cần cù, một nắng hai sương đã tỏa hương bay xa. Cây chè không những góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân, mà còn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của huyện Thuận Châu.
Anh Phạm Văn Doanh giới thiệu các sản phẩm chè.
Theo con đường bê tông uốn lượn giữa những đồi chè xanh mát, chúng tôi đến Công ty TNHH Trà Thu Đan tại bản Thư Vũ, xã Phổng Lái. Bên tách trà Ô long tỏa hương thơm ngát, anh Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan tâm sự: Sinh ra và lớn lên tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Học xong cấp 3, tham gia hoạt động vận tải, chở hàng hóa khắp các tỉnh phía Bắc. Được đi nhiều nơi, lại có đam mê với cây chè nên tôi luôn ấp ủ ý tưởng sẽ trồng một cánh đồng chè rộng lớn. Năm 1997, gia đình tôi chuyển lên sinh sống tại huyện Sông Mã. Lúc này, tôi quyết định đi tìm vùng đất để phát triển cây chè, sau nhiều ngày tháng bỏ công sức kiếm tìm, nhận thấy vùng đất xã Phổng Lái có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây chè. Tôi quyết tâm bỏ hết vốn liếng tích lũy được để mua 6 ha đất ở bản Thư Vũ để trồng chè và cũng từ đây tôi đã gắn bó bền chặt với cây chè. Thời gian đầu, do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên đồi chè của gia đình chậm phát triển, cùng với việc trồng theo phương thức truyền thống, sử dụng nhiều phân bón hóa học cũng như sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, nên chè bán giá thấp. Khó khăn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Phải mất đến vài năm, sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật khắp nơi, tôi mới làm chủ được đồi chè của gia đình và cho ra đời sản phẩm chè chất lượng thơm, ngon.
Hơn 13 năm gắn bó với cây chè, số tiền kiếm được, anh Doanh đã đầu tư để mở rộng diện tích trồng chè, với mong muốn hình thành vùng chè tập trung, chất lượng. Đến năm 2010, diện tích chè của riêng gia đình anh Doanh đã lên đến 15 ha. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, anh tiên phong chuyển đổi tất cả diện tích chè của gia đình sang trồng chè giống Kim Tuyên đang được thị trường ưa chuộng. Anh còn vận động, liên kết với người dân trồng thay thế chè lai giống cũ bằng giống chè Kim Tuyên được mua từ Trại giống Mường Hồng (Mai Sơn) với tổng diện tích lên đến 100 ha. Bằng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, như tưới ẩm; cắt tỉa, thu hái đúng thời điểm; thời gian cách ly đảm bảo... những đồi chè cho kết quả khả quan, năng suất và chất lượng cao hơn so với giống chè cũ. Sản phẩm chất lượng đã có, bài toán lúc này là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Một lần nữa, anh lại bỏ công sức, tiền của đi tìm đối tác mở cánh cửa xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan. Quyết tâm nâng tầm thương hiệu chè Phổng Lái, anh Doanh đã thành lập Công ty TNHH Trà Thu Đan và năm 2013, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè với quy mô 3,5 ha, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; công suất chế biến 20 tấn chè búp tươi/ngày; toàn bộ dây chuyền, máy móc được nhập từ Đài Loan. 100% sản phẩm chè của Công ty xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, trung bình một năm xuất bán khoảng 300 tấn chè khô với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg.
Xác định việc phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố quyết định đối với sự phát triển, Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 300 ha chè Kim Tuyên. Để đảm bảo chất lượng chè đồng đều, Công ty đầu tư toàn bộ cây giống cho các hộ nông dân trồng; đồng thời, cử kỹ thuật viên xuống tận nơi để hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách trồng, thu hái và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, vùng chè nguyên liệu của Công ty luôn duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2019, Công ty cung cấp 1,5 triệu cây giống miễn phí cho người dân để mở rộng thêm 100 ha chè nguyên liệu; dự kiến từ năm 2023 trở đi, sản lượng chè khô sẽ đạt 600 tấn/năm. Bên cạnh đó, Công ty còn tạo việc làm cho 20 công nhân, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng và thuê hàng chục lao động thời vụ.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng Công ty TNHH Trà Thu Đan vẫn xuất khẩu hơn 350 tấn chè sang thị trường Đài Loan. Đặc biệt, năm nay sản phẩm Trà Ô Long Thu Đan của Công ty được lựa chọn là 1 trong 3 sản phẩm điểm của huyện tham gia chương trình OCOP. Đây là niềm vinh dự với cá nhân anh Doanh và bà con nông dân trồng chè nơi đây. Hiện, Công ty đã quy hoạch 40 ha chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để làm sản phẩm OCOP của huyện.
Trở thành tỷ phú trồng chè nơi vùng cao nhiều khó khăn, anh Phạm Văn Doanh đã minh chứng ý chí dám nghĩ, dám làm; lập nghiệp, làm giàu chính đáng bằng nỗ lực và niềm đam mê, góp phần đưa thương hiệu chè Phổng Lái - Thuận Châu vươn xa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!