Khai thác tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, xã Liệp Tè (Thuận Châu) đã và đang khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển nghề nuôi cá lồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Lồng nuôi cá trắm đen của một hộ dân bản Ban Xa, xã Liệp Tè.
Là xã vùng III của huyện Thuận Châu, cách trung tâm huyện 48 km; có 15 bản nằm dọc theo lòng hồ thủy điện Sơn La. Tận dụng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La, năm 2016, xã Liệp Tè đã vận động các hộ dân phát triển nuôi cá lồng bè bắt đầu từ việc nuôi thí điểm 30 lồng cá ở khu vực bản Ban Xa. Từ hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá lồng, xã Liệp Tè đã thành lập Tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hộ gia đình nuôi cá liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; vận động, hỗ trợ, định hướng nuôi cá lồng trên lòng hồ theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích người dân trao đổi kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nhau từ khâu lựa chọn giống, đến bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là việc sản xuất theo hình thức gối vụ để luôn đảm bảo số lượng, chất lượng cá cung cấp ra thị trường.
Hiện, cả xã đã có 691 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng đen, trắm đen, trong đó riêng HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè, bản Ban Xa có 322 lồng cá, còn lại là của các hộ dân nuôi riêng lẻ từ 10-20 lồng. Trong 9 tháng năm 2021, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường của xã đạt trên 35 tấn.
Đến thăm khu vực nuôi cá lồng bè của gia đình anh Quàng Văn Hợp, thành viên HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè, anh Hợp, cho biết: Gia đình tôi hiện có 15 lồng cá đảm bảo tiêu chuẩn diện tích và hàn khung sắt kiên cố để nuôi cá lăng đen, trắm đen, trắm cỏ, chép theo quy trình VietGAP. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, cá chủ yếu bán ở huyện và nội tỉnh, nhưng đến tháng 10, gia đình đã xuất được gần 1,3 tấn cá với mức giá 70.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng. Hy vọng, dịch bệnh qua nhanh, giao thông đi lại thuận tiện, thị trường tiêu thụ mở rộng, thì sản phẩm cá lăng đen và trắm đen xuất ra thị trường ngoài tỉnh sẽ được giá hơn.
Giúp người dân phát triển kinh tế, xã chỉ đạo các đoàn thể tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, có 415 hộ nghèo của xã được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu với tổng dư nợ 14,3 tỷ đồng. Trong đó có 108 hộ vay phát triển mô hình nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm khi các nhà hàng, quán ăn hạn chế đón khách, các tỉnh giãn cách xã hội nên việc vận chuyển hàng hóa phải dừng lại. Trao đổi về điều này, anh Quàng Văn Hiện, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tổng hợp Liệp Tè, cho biết: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhưng cũng có nhiều rủi ro về dịch bệnh, nhất là vào mùa mưa rất dễ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá. HTX đã phải thu hẹp các lồng nuôi và tạm dừng việc thả cá giống. Trong thời gian tới, HTX sẽ liên hệ với các đại lý trong và ngoài tỉnh để tìm nguồn tiêu thụ ổn định.
Liệp Tè hiện có 15 bản, 938 hộ gồm 2 dân tộc Thái và La Ha sinh sống; trong đó hộ nghèo còn 571 hộ, chiếm 60,8%; hộ cận nghèo 131 hộ, chiếm 13,97%. Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo và vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tại các bản trên địa bàn, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả, trong đó, có nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La theo chuỗi sản phẩm và liên kết, thành lập các Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản...
Các HTX, hộ dân nuôi cá lồng ở Liệp Tè mong muốn tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm, giúp người dân kiến thức nuôi cá lồng, cách lựa chọn các loại thức ăn phù hợp, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ vốn để người dân mở rộng diện tích lồng cá và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!