Mường Khiêng phát triển chăn nuôi

Những năm gần đây, xã Mường Khiêng (Thuận Châu) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập.

 

Mô hình nuôi dê của gia đình anh Bạc Cầm Nói, bản Khiêng, xã Mường Khiêng (Thuận Châu).

                 

Một trong những hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi ở xã là gia đình anh Lò Văn Sáng, bản Pục Tứn. Trước đây, gia đình anh chăn nuôi 10 con bò. Năm 2018, anh bán đàn bò, cùng số tiền tiết kiệm của gia đình đầu tư xây khu chuồng chăn nuôi rộng hơn 100 m² và mua hơn 50 con dê về nuôi nhốt chuồng. Anh Sáng chia sẻ: Ngoài đi học hỏi kinh nghiệm nuôi dê của các hộ gia đình trong xã và các xã lân cận, tôi còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do xã tổ chức để áp dụng vào thực tế chăn nuôi của gia đình. Trong chăn nuôi, tôi chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê. Sau 5 tháng, gia đình tôi đã xuất bán dê thịt, trung bình một năm xuất bán hai lần, thu hơn 300 triệu đồng.

                 

Còn gia đình anh Bạc Cầm Nói, bản Khiêng, hiện đang nuôi gần 20 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng trên 2 tấn thịt lợn hơi, thu hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, số tiền tiết kiệm từ chăn nuôi lợn, anh Nói đã đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng chuồng và mua 6 con dê giống về nuôi. Sau 2 năm, gia đình anh Nói có 40 con dê, gia đình anh đã bán 6 con dê thịt, thu trên 20 triệu đồng. Từ việc chăn nuôi lợn, dê, gia đình anh đang dần ổn định cuộc sống.

                 

Để phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả, xã Mường Khiêng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập HTX. Đưa giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi; trồng cỏ lấy thức ăn nuôi nhốt tập trung... Đồng thời, hướng dẫn người dân tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.  Các tổ chức đoàn thể của xã còn nhận ủy thác hơn 25,7 tỷ đồng với các ngân hàng cho 160 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, nuôi trâu, bò, dê nhốt chuồng...

                 

Bên cạnh đó, xã vận động người dân trồng 142 ha cỏ voi VA06, cỏ mật để làm thức ăn chăn nuôi hơn 3.600 con trâu, bò; gần 3.120 con dê. Ngoài ra, người dân còn nuôi hơn 1.200 con lợn và 31.100 con gia cầm các loại. Hiện, xã có một HTX thủy sản, nuôi 51 lồng cá; 26 ha ao nuôi cá tại các bản. Nhiều mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, như: Trang trại nuôi lợn của anh Lò Văn Thịnh, bản Sao Và mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng; mô hình chăn nuôi, gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng của anh Vì Văn Nghiêm, bản Huổi Pản, với gần 30 con gia súc, 500 con gà thả vườn, 10 lồng cá, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm; mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Lò Văn Sáng, bản Pục Tứn, với hơn 50 con...

                 

Lựa chọn xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương đã và đang được người dân Mường Khiêng tích cực thực hiện để vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới