Mùa dưa ở vùng cao Co Mạ

Khi những trận mưa nặng hạt hơn, lúa nương đang thì con gái, bà con đồng bào dân tộc Mông xã vùng cao Co Mạ (Thuận Châu) lại vào vụ thu hoạch quả dưa trên nương. Những ngày này, hai bên tỉnh lộ 108 và tuyến đường vào chợ trung tâm xã, bà con bày bán khá nhiều dưa; có nhiều thương lái từ trung tâm huyện và một số vùng khác cũng đến thu mua.

 

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) thu hoạch dưa trên nương.

                 

Đã hơn 5 năm nay, cứ vào mùa thu hoạch dưa, bà Giàng Thị Chía, bản Hua Lương lại mang dưa ra ven tỉnh lộ 108 bày bán. Bà Chía kể: Trước đây, gia đình tôi trồng dưa chủ yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nhưng bây giờ, loại dưa được nhiều người biết đến, giao thông đi lại thuận tiện, nên có nhiều thương lái từ huyện, Thành phố lên thu mua. Vì vậy, gia đình đã mở rộng diện tích trồng dưa để bán, tăng thêm thu nhập. Năm nay, gia đình tôi trồng gần 1 ha lúa nương xen dưa, hiện đã bán được hơn 1 tấn quả dưa, với giá từ 8 - 12 nghìn đồng/kg, thu hơn 10 triệu đồng. Dự kiến, vụ dưa năm nay, gia đình tôi thu hoạch trên 3 tấn quả, thu hơn 30 triệu đồng.

                 

Chị Lường Thị Hưng, thương lái đến từ xã Chiềng Pấc (Thuận Châu), cho biết: Nhiều năm nay, tôi lên đây thu mua dưa của bà con. Quả dưa to đều, đẹp, ăn giòn, ngọt mát. Đặc biệt, loại dưa này không có chất bảo quản hay thuốc trừ cỏ, nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

                 

Tìm hiểu được biết, loại dưa đồng bào dân tộc Mông thường trồng là giống dưa đặc sản có từ bao đời nay, cùi dày, đặc ruột, ăn giòn, ngọt mát, đậm đà, quả to hơn nhiều lần so với quả dưa chuột. Giống dưa này được bà con duy trì, bảo quản, trồng xen canh với cây lúa nương. Hằng năm, vào tháng 3, tháng 4, sau khi phát cỏ, làm đất xong, khi có mưa là người dân trộn hạt dưa với hạt thóc giống để gieo trồng. Theo người dân, giống dưa này dễ trồng và dễ chăm sóc; phù hợp với khí hậu lạnh, đất ẩm, cây dưa bò tự nhiên trên mặt đất, trên các mỏm đá, không cần làm giàn leo như dưa chuột. Nhất là không cần bón phân, phun thuốc và cũng không cần tưới nước, năng suất vẫn đạt trên 5 tấn quả/ha. Dưa có màu xanh, trắng, vàng, vỏ trơn bóng, kích thước từ 10 - 20 cm, quả nặng từ 0,5 kg - 2 kg. Đến tháng 7, dưa bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9. Năm nay, xã Co Mạ gieo hơn 700 ha lúa trên nương, trong đó, có hơn 10 ha trồng xen canh với cây dưa, tập trung chủ yếu ở các bản: Co Mạ, Láo Hả, Sình Thàng, Hua Lương, Pha Khuông, Cửa Rừng... Bình quân mỗi vụ dưa, toàn xã thu hơn 50 tấn quả, bán với giá từ 8-12 nghìn đồng/kg. Đây là nguồn thu đáng kể của người dân vùng cao nơi đây.

Đồng bào dân tộc Mông xã Co Mạ (Thuận Châu) bày bán dưa dọc tỉnh lộ 108

                 

Với nhu cầu sản phẩm dưa ngày càng tăng, đồng bào dân tộc Mông ở xã Co Mạ nói riêng và các xã vùng cao huyện Thuận Châu nói chung đã và đang mở rộng diện tích trồng dưa. Ngoài trồng xen canh với cây lúa nương, một số hộ dân đã trồng chuyên canh để dễ chăm sóc, thuận lợi khi thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

A Mua
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới