Long Hẹ phát triển cây sơn tra

Nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây sơn tra của huyện Thuận Châu, xã Long Hẹ có diện tích trồng sơn tra lớn nhất huyện. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây sơn tra ở Long Hẹ ngày càng phát triển, cho sản lượng cao, xã đã lựa chọn sơn tra làm cây trồng chủ lực, xóa nghèo bền vững cho người dân; vừa là cây trồng đa mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng phát triển, tái tạo rừng.

 

Người dân bản Co Nhừ, xã Long Hẹ thu hoạch quả sơn tra.

 

Nhận thấy hiệu quả về kinh tế và môi trường rừng của cây sơn tra, cộng với tiềm năng thế mạnh ở xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu đã quy hoạch, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ địa phương phát triển cây sơn tra. Đảng ủy, UBND xã đã xác định chỉ tiêu phát triển cây sơn tra trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương hằng năm. Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành điều tra, khảo sát địa điểm xây dựng các mô hình phát triển cây sơn tra để đánh giá hiệu quả, từ đó nhân rộng. Năm 2015, xã Long Hẹ có 430 ha cây sơn tra, tuy nhiên diện tích trồng phân tán, không tập trung; diện tích cho thu hoạch mới chỉ là 15 ha tại các bản: Co Nhừ, Nông Cốc, Há Tầu,  năng suất bình quân khoảng 1,5 tấn/ha. Nhờ các chương trình hỗ trợ phát triển cây sơn tra của tỉnh, huyện, đến nay, xã Long Hẹ có trên 600 ha cây sơn tra, trong đó gần 400 ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân  4 tấn/ha/năm.

 

Với diện tích cây sơn tra lớn, xác định để phát triển bền vững cần xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững, xã Long Hẹ đã khuyến khích, vận động các gia đình liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo quy trình, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tháng 3/2017, HTX sản xuất, kinh doanh cây dược liệu, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp bản Nặm Búa (HTX bản Nặm Búa) được thành lập với mục tiêu liên kết, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như tìm đầu ra ổn định cho người dân trồng cây sơn tra trên địa bàn. Ban đầu, HTX chỉ có 10 thành viên với tổng diện tích 5 ha cây sơn tra, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các phòng, ban chuyên môn huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương, các thành viên HTX đã đoàn kết, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để đưa cây sơn tra trở thành cây trồng xóa đói nghèo. Nhận thấy hiệu quả từ loại cây trồng này, nhiều hộ dân đã chủ động tham gia HTX và trồng cây sơn tra thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả khác, phủ xanh đất trống, đồi trọc... Đến nay, HTX bản Nặm Búa đã phát triển lên 21 thành viên với gần 180 ha cây sơn tra, trong đó có 30 ha cây sơn tra đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

 

Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX bản Nặm Búa, chia sẻ: Cây sơn tra sinh trưởng và phát triển tốt tại địa phương, là cây đa mục tiêu, vừa có giá trị về kinh tế, vừa góp phần xây dựng hệ thống rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường. Giờ đây, những nương ngô, khu vực đất trống, đồi núi trọc ở Long Hẹ đã được thay bằng các cánh rừng sơn tra. Nhờ dễ trồng, dễ chăm sóc, cây sơn tra đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

 

Nói về những định hướng phát triển cây sơn tra trong thời gian tới, ông Thào A Của, Chủ tịch UBND xã Long Hẹ, cho biết: Xã tiếp tục quan tâm rà soát, bố trí quỹ đất tập trung để trồng mới cây sơn tra, hình thành các vùng sản xuất với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa; rà soát diện tích cây sơn tra kém chất lượng để ghép, cải tạo bằng giống chất lượng cao; phối hợp với các đơn vị chuyên môn, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm, tạo điều kiện để các HTX chủ động nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến giới thiệu sản phẩm quả sơn tra, tìm kiếm các đơn vị để thực hiện bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Cây sơn tra đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của xã Long Hẹ, song để bà con yên tâm, gắn bó với cây sơn tra lâu dài, cấp ủy, chính quyền huyện, xã quan tâm hơn nữa đến thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho bà con, tránh để xảy ra tình trạng được mùa, mất giá.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới