Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Trạm Khuyến nông huyện Thuận Châu đã xây dựng thành công nhiều mô hình trình diễn trên địa bàn huyện, các mô hình được Nhà nước đầu tư hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật sản xuất, vật tư như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi... đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt.
Mô hình trồng rau sạch tại xã Phổng Lái (Thuận Châu).
Tuy nhiên, vì nguồn vốn của Nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, để đáp ứng nhu cầu đó, Trạm đã xác định tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân xây dựng mô hình tự nguyện, góp phần đẩy nhanh việc mở rộng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trao đổi với bà Quàng Thị Phượng, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thuận Châu, được biết: Qua thực tế hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người nông dân cho thấy xây dựng mô hình trình diễn là phương pháp chủ đạo để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình trình diễn chứng minh lợi ích và tính khả thi của một tiến bộ kỹ thuật mới, trình bày các bước áp dụng kỹ thuật để người dân học tập và làm theo. Chính vì vậy, thời gian qua, Trạm Khuyến nông Thuận Châu luôn chú trọng triển khai xây dựng các mô hình trình diễn, góp phần chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân, đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông tự nguyện, từ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng và nhân rộng các mô hình giúp tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng được thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của bà con.
Ông Quàng Văn Thiết, bản Hình (xã Tông Cọ) chia sẻ: Vụ lúa xuân năm 2015, tôi được cán bộ khuyến nông giới thiệu về kỹ thuật canh tác lúa theo phương pháp cải tiến SRI, gia đình tôi đã tự đầu tư mua giống và phân bón về để áp dụng phương pháp này. Trong quá trình trồng lúa, Trạm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến hướng dẫn gia đình tôi từ khâu ngâm ủ hạt giống, cách làm mạ, kỹ thuật cấy và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Kết quả cho thấy, năng suất lúa tăng 20%, đồng thời giảm 25% chi phí (về giống, phân bón, thuốc BVTV) so với trước đây. Hiện, gia đình tôi vẫn thực hiện thâm canh lúa theo phương pháp SRI và còn tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong bản làm cùng để đạt hiệu quả cao hơn từ trồng lúa.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2016, trong 6 tháng đầu năm, Trạm Khuyến nông Thuận Châu đã mở 130 lớp tập huấn, hướng dẫn tự nguyện cho 3.227 lượt nông dân; hướng dẫn 6.289 lượt hộ nông dân theo mùa vụ về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hướng dẫn nông dân xây dựng được 47 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại các xã trên địa bàn huyện; nhiều mô hình do các hộ thực hiện được nhân dân trong vùng đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng trong thời gian tới, như các mô hình: trồng rau an toàn tại xã Pá Lông; trồng lúa bằng phương pháp cải tiến SRI tại các xã Muổi Nọi, Phổng Lăng, Chiềng La, Bon Phặng; canh tác sắn bền vững tại xã É Tòng; trồng cỏ VA06 tại xã Co Mạ; nuôi gà bố mẹ trên nền đệm lót sinh học tại xã Chiềng Pấc; nuôi gà thả vườn và trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Bản Lầm; nuôi cá thương phẩm và ương cá giống tại xã Phổng Lập; chăm sóc bò cái sinh sản tại xã Chiềng Pha... Hiện, Trạm đang tuyên truyền nhân rộng các mô hình theo phương thức “nông dân chuyển giao cho nông dân”, tổ chức cho nông dân tham gia hội thảo, tham quan các mô hình điển hình...
Từ các mô hình tự nguyện đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tiêu biểu như hộ ông Thào Chứ Dơ, bản Chà Mạy (xã Long Hẹ), được khuyến nông hướng dẫn chuyển đổi đất sản xuất ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, ông trồng 2 ha cỏ, nuôi hơn 40 con bò, thu nhập hằng năm trên 150 triệu đồng. Hộ ông Cà Văn Biển, bản Lọng Mén (xã Chiềng Pấc) được cán bộ khuyến nông tư vấn đầu tư nuôi lợn thịt, hiện mỗi năm gia đình ông xuất chuồng khoảng 40-50 con lợn thịt; ông còn xây bể khí biogar để xử lý chất thải, cung cấp khí đốt phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt của gia đình. Gia đình ông Nguyễn Long Vương, bản Mía Đường (xã Chiềng Pấc) có khoảng 50 cây nhãn trồng được 8 đến 10 năm nhưng năng suất không cao, chất lượng kém... sau khi được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn ghép cải tạo vườn nhãn, gia đình ông đã ghép giống nhãn chín muộn, thực hiện chăm sóc, bón phân theo quy trình kỹ thuật, từ năm 2013 đến nay, năm nào ông cũng thu 1,5 đến 1,8 tấn nhãn quả với giá thu mua tại vườn 18 đến 20.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu 27 đến 36 triệu đồng (tương đương 270-360 triệu đồng/ha)...
Với phương châm “Chỉ hỗ trợ, không làm thay cho người dân”, tăng cường nhân rộng các mô hình khuyến nông tự nguyện đạt hiệu quả, Trạm Khuyến nông Thuận Châu đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên giàu có, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!