Gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Tính tẩu là loại nhạc cụ tiêu biểu và giữ vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái huyện Thuận Châu. Đàn tính được dùng trong đời sống tâm linh, lễ hội, hát xướng, giao duyên, kết bạn. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại nhạc cụ này, Câu lạc bộ hát then, đàn tính, bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu) đã ra đời và hoạt động hiệu quả, góp phần gìn giữ nhạc cụ dân tộc, tạo sự lan tỏa làn điệu then truyền thống trong cộng đồng.

 

Một buổi luyện tập của CLB đàn tính tẩu bản Pán, xã Chiềng Ly.

 

Thanh âm ngọt ngào đưa chúng tôi tới căn nhà của ông Lường Văn Bôm - điểm sinh hoạt của các thành viên CLB đàn tính tẩu bản Pán. Bên ngôi nhà sàn, các thành viên CLB đang say sưa luyện tập, vừa chơi đàn vừa hát làn điệu then truyền thống chuẩn bị cho giao lưu văn nghệ sắp tới giữa các xã trong huyện. Cứ thế, hơn 14 năm nay, chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần đã trở thành khoảng thời gian quý báu để kết nối đam mê của những người yêu đàn tính tẩu và làn điệu dân ca cổ truyền của người dân tộc Thái bản Pán.

 

Trò chuyện với ông Lường Văn Bôm, chủ nhiệm CLB, ông vui vẻ cho biết: CLB hình thành và phát triển từ năm 2006, bắt đầu bằng hoạt động của 3 thành viên nhóm những người cao tuổi yêu thích đàn tính tẩu, đến nay CLB đã có 16 thành viên, gồm 5 nam và 11 nữ tham gia thường xuyên.

 

Nói về niềm đam mê với đàn tính tẩu, ông bảo, ngay từ khi còn nhỏ ông đã được cha mẹ và các cụ trong bản dạy cho hát làn điệu then, chơi đàn tính tẩu trong các dịp lễ hội. Vì vậy, việc chơi đàn tính, hát then cổ đã ngấm vào máu và trở thành niềm đam mê của ông. Vì thế, ông đã dành nhiều thời gian cùng các cụ cao niên và các thành viên trong CLB làm đàn tính và nghiên cứu các làn điệu then cổ, nỗ lực đưa các giá trị văn hóa này đến gần hơn với cuộc sống của người dân.

 

Được biết, các thành viên trong CLB đều là người cao tuổi. Do đặc thù công việc của các thành viên khác nhau, có hội viên là cán bộ hưu trí, có hội viên là nông dân, người buôn bán, nên việc tập hợp và thống nhất thời gian tập luyện cũng gặp khó khăn, nhưng với tình yêu và lòng đam mê với văn hóa dân tộc, các hội viên đều cố gắng sắp xếp công việc một cách hợp lý để tham gia tập luyện hoặc biểu diễn. Để hoạt động của các CLB đi vào nề nếp, thì sự chủ động học hỏi, sáng tạo của các hội viên là hết sức cần thiết. Các hội viên trong câu lạc bộ thường xuyên tìm tòi, sưu tầm các làn điệu then cổ, đặt lời mới cho các bài then, như “Ơn Đảng, ơn Bác”, “Xây dựng quê hương”, “Chuyện dân số”... Việc đặt lời mới giúp phát triển các làn điệu then, tăng thêm hứng thú cho hội viên khi học hát, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến công chúng.

 

Bên cạnh đó, việc duy trì kinh phí hoạt động của CLB đều do các thành viên tự đóng góp. Từ chi phí luyện tập, đến trang phục, đạo cụ biểu diễn đều do các thành viên của CLB tự mua sắm, sưu tầm. Để phát triển CLB, ngay từ những ngày đầu thành lập, ban chủ nhiệm CLB thường xuyên liên hệ với các nghệ nhân, nghệ sỹ có tiếng trong tỉnh để học tập kinh nghiệm. Từ những lần đi học hỏi, rất nhiều thành viên ban đầu chưa biết đàn, hát thì nay đã trở thành những thành viên “chắc tay đàn, ngọt giọng hát” của CLB, phục vụ rất hiệu quả cho hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Ngoài ra, các thành viên còn tích cực sưu tầm, nghiên cứu và chỉnh biên dân ca, dân vũ thành các tiết mục múa và biểu diễn trên sân khấu và thành công với nhiều tiết mục tham gia tại các cuộc giao lưu dân ca trong và ngoài tỉnh. Năm 2008, CLB đã đoạt giải ba cuộc thi “Tiếng hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc lần thứ nhất” do tỉnh Sơn La tổ chức; giải nhất cuộc thi “Tiếng hát người cao tuổi lần thứ nhất” do huyện Thuận Châu tổ chức năm 2011; 4 lần được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đi giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Làng văn hóa và du lịch các dân tộc tại Đồng Mô (Hà Nội); năm 2018, đoạt giải nhì Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La...

 

Bà Lường Thị Phiu, 71 tuổi, thành viên CLB, cho biết: “Trước đây, tôi chưa biết hát then, mặc dù công việc thường ngày rất bận rộn nhưng vì đam mê nên tôi đã xin tham gia CLB. Dưới sự chỉ dạy và hướng dẫn tận tình của các thành viên trong CLB, chúng tôi đã được dạy từ cách luyến láy, cách đánh đàn tính, dần dần, tôi và các hội viên đã biết hát then và đánh đàn thành thạo”.

 

CLB hát then, đàn tính bản Pán, xã Chiềng Ly là điểm sáng trong phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở trên địa bàn huyện Thuận Châu. Hằng năm, CLB tích cực tham gia phục vụ các lễ hội lớn của tỉnh, huyện. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với lòng đam mê, sự trân trọng với những điệu then, cây đàn tính của quê hương, các hội viên CLB bản Pán đang từng ngày góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phạm Hoa
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới