Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được huyện Thuận Châu đặc biệt quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn.
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thuận Châu đã xây dựng kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn xuất phát từ nhu cầu của người học, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội; phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bà Lường Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của học nghề, giải quyết việc làm, huyện tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng lao động nông thôn trong độ tuổi, diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, với các ngành nghề đào tạo: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm sinh, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ nông nghiệp... Việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo trên cơ sở các đặc điểm về độ tuổi, tính đặc thù về trình độ văn hóa, nhận thức, điều kiện học tập của người dân tại các bản, văn hóa dân tộc của lao động nông thôn, qua đó đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân tại địa phương.
5 năm qua, huyện Thuận Châu đã đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động; tổ chức gần 400 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác của từng địa phương. Thông qua đào tạo đã giúp lao động nông thôn tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến; nâng cao kiến thức, tăng cường kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào các mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động.
Sau khi tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm do huyện tổ chức, chị Bạc Thị Huyền, bản Dân Chủ, xã Chiềng Pấc đã mạnh dạn áp dụng triển khai thực hiện mô hình nuôi gà. Hiện, đàn gà của chị có gần 100 con. Chị Huyền chia sẻ: Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi biết cách chọn lựa con giống, chăm sóc, phòng trị bệnh, nên gia cầm không bị dịch bệnh, phát triển tốt, tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng với việc dạy nghề, huyện còn triển khai chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho lao động, từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm đã giải ngân nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 300 hộ gia đình. Đa số các hộ vay đều tận dụng tối đa nguồn vốn, kết hợp với nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn khác thực hiện dự án, thu hút nhiều lao động trong hộ cùng tham gia, góp phần đem lại nguồn thu nhập bình quân trong hộ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thuận Châu đã đem lại những hiệu quả bước đầu, làm thay đổi nhận thức cũng như tư duy sản xuất của một bộ phận người dân nông thôn. Hiện nay, Thuận Châu đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển mở mang các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển của huyện để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Đây cũng là điều kiện quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!