Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngoài sự chỉ huy tài tình của Bác Hồ và Trung ương Đảng, những chiến công oanh liệt của bộ đội ta trên chiến trường, còn có cả những đóng góp thầm lặng của những người dân công hỏa tuyến.
Cán bộ xã Chiềng Ly (Thuận Châu) thăm hỏi sức khỏe của bà Lường Thị Hại.
Đèo Pha Đin được mệnh danh là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc, nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, đỉnh đèo cao tới 1.648m và là cửa ngõ để vào thung lũng Điện Biên Phủ. Bởi vậy, đèo Pha Đin là một trong những rốn bom mà thực dân Pháp cho máy bay đánh phá ác liệt, nhằm ngăn cản đường tiếp viện của ta cho chiến trường. Tuyến đường này đã in đậm dấu chân của những dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Trong đó, nhân dân huyện Thuận Châu có trên 2.600 người tình nguyện làm dân công hỏa tuyến, với trên 261.000 ngày công vận chuyển vũ khí, sửa đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một trong những nhân chứng sống đó là bà Lường Thị Hại, hiện đang sinh sống tại bản Pán, xã Chiềng Ly.
Dường như trong ký ức của bà Hại, câu chuyện về những tháng ngày tham gia dân công hỏa tuyến như mới chỉ diễn ra ngày hôm qua: Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ vài tháng, rất nhiều người dân ở bản Pán chúng tôi và nhiều người ở các xã khác trong huyện đã được cán bộ kêu gọi, vận động đi phá đá, mở đường trên đèo Pha Đin. Những người khác thì tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường bằng ngựa thồ, xe đạp thồ... Những ngày đó, chỉ huy đơn vị luôn động viên chúng tôi cố gắng làm thật nhanh để góp sức vào Chiến dịch lịch sử này. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau nỗ lực hết mình để tham gia mở đường. Càng gần đến ngày phát động Chiến dịch, máy bay địch hoạt động càng ráo riết, chúng bay qua bay lại ném bom, bắn phá rất dữ dội, nên mọi công việc làm đường phải chuyển sang làm vào ban đêm. Đặc biệt, trong 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, máy bay Pháp vẫn tiếp tục đánh phá đèo Pha Đin hòng cắt đứt tuyến đường tiếp viện quan trọng của quân ta. Sau mỗi lần bị dội bom, mặt đường, nền đường lại bị hư hỏng nặng, xe không thể qua được và còn nhiều bom nổ chậm nằm dưới lòng đường. Bởi vậy, để đảm bảo đường luôn được thông suốt, cứ sau cuộc oanh tạc của máy bay địch, những người dân công hỏa tuyến lại cùng lực lượng thanh niên xung phong chở đất, đá ra “vá” đường. Đồng thời, thực hiện các bước để phá bom nổ chậm, đảm bảo cho xe vận tải của quân ta ra tiền tuyến.
65 năm đã trôi qua, bà Hại không thể quên ngày hôm đó - ngày 7/5/1954 - Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mặc dù không có mặt trực tiếp ở chiến trường, nhưng bà và các đồng đội đã ôm nhau òa khóc vì hạnh phúc trước tin thắng trận. Kể đến đây, bà Hại bỗng khe khẽ hát “... A cái anh thương binh/ Đến thăm quê chúng mình/ Em chạy ra đường đón/Tang tang tịnh tình tang...”. Bà bảo, đây là bài hát mà cách đây hơn 6 thập kỷ, mỗi lần đón các chiến sỹ bị thương đưa từ trên đèo Pha Đin về bệnh xá, bà hát để động viên các thương binh quên đi đau đớn. Những ngày phá đá mở đường trên đèo Pha Đin và đưa các thương binh từ chiến trường về luôn là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà.
(Ghi theo lời kể nhân vật)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!