Theo giới thiệu của Huyện đoàn Thuận Châu, chúng tôi về bản vùng cao Co Nhừ, xã Long Hẹ, tìm gặp Thào A Hồng, chàng thanh niên dân tộc Mông, gương điển hình trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi, vừa được trao giải thưởng Lương Định Của năm 2020.
Anh Thào A Hồng đưa giống xoài Đài Loan vào trồng tại bản Co Nhừ, xã Long Hẹ (Thuận Châu).
Tuy đã chớm sang hè, nhưng buổi sáng ở bản Co Nhừ mây mù vẫn bao phủ. Hỏi thăm nhà Thào A Hồng, ai cũng biết, đó là ngôi nhà gỗ 3 gian còn mới, to nhất bản. Đón chúng tôi là chàng trai có nước da ngăm ngăm, cử chỉ thân thiện, niềm nở pha trà mời khách. Thào A Hồng kể: Là con thứ 2 trong gia đình thuần nông, tốt nghiệp THPT năm 2009, em theo học Khoa Công nghệ thông tin - Trường Cao đẳng Sơn La. Sau 4 năm học, ra trường đi xin việc khắp nơi nhưng không được. Tôi trở về bản với quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Hồng nhớ lại: Cách đây 8 năm, lúc ấy, gia đình em cũng như các hộ khác trong bản chủ yếu trồng ngô, lúa nương và cây sơn tra. Thế nhưng, sản xuất còn manh mún, bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, ngô, lúa may ra chỉ đủ ăn, còn sơn tra thì khó bán, nhiều khi bà con chẳng muốn thu hoạch, để quả rụng đầy gốc.
Với mong muốn liên kết người dân sản xuất, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con từ cây sơn tra. Năm 2017, Hồng đã đứng ra vận động anh em, người dân trong bản thành lập HTX Nặm Búa. Ban đầu HTX có 10 thành viên, chủ yếu là các thanh niên mới tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học, có sức trẻ, sự nhạy bén trong tiếp cận khoa học kỹ thuật. Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã biến cây sơn tra trở thành cây hàng hóa mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng cao. Từ hiệu quả thực tế, HTX đã thu hút ngày càng nhiều bà con tham gia, hiện HTX đã có 121 thành viên, với tổng vốn góp trên 3,6 tỷ đồng.
Thào A Hồng chia sẻ: Ở thời điểm mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn do số lượng tham gia thành viên còn ít. Để thu hút được người dân tham gia vào HTX, cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự ủng hộ của chính quyền xã, các thành viên HTX đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Với hình thức góp vốn bằng đất sản xuất, từ 5 ha sơn tra ban đầu, đến nay HTX đã có gần 200 ha sơn tra, trong đó có trên 100 ha cho thu hoạch.
Để nâng cao năng suất, Thào A Hồng đã đi đến những vùng trồng nhiều cây sơn tra trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm; phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong huyện tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho bà con. Bên cạnh đó, Hồng đã kết nối với một số doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hưng Yên để giải quyết đầu ra cho sản phẩm quả sơn tra. Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đến nay HTX đã phát triển cây sơn tra thành vùng nguyên liệu, thu hút các đơn vị đăng ký thu mua, thị trường tiêu thụ quả sơn tra giờ không bó hẹp trong tỉnh mà đã mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng.
HTX còn được lựa chọn là đơn vị cung ứng giống, thực hiện các dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 của xã; được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài huyện nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. HTX của Thào A Hồng đạt doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/năm; thu nhập của thành viên bình quân 3 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức tiền công từ 2,5 triệu đồng người/tháng trở lên; những thành viên đầu tiên tham gia HTX hiện đã thoát nghèo.
Chúng tôi cùng Thào A Hồng đến thăm vườn cây sơn tra của anh Lầu A Hử, thành viên HTX. Với diện tích 10 ha, nhưng trước đây mỗi năm chỉ thu được 15 tấn quả. Từ khi vào HTX, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, nay năng suất tăng lên gần gấp 3 lần và toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu. Anh Lầu A Hử chia sẻ: Nhờ được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, hiện thu nhập từ sơn tra của gia đình hơn 100 triệu/năm.
Bên cạnh phát triển cây sơn tra, Thào A Hồng cũng là người tiên phong chuyển đổi diện tích cây lương thực ngắn ngày trên nương sang trồng cây ăn quả. Năm 2017, sau một thời gian nghiên cứu, đi học tập ở Phổng Lái và một số xã của huyện Mai Sơn, Thào A Hồng đã chuyển đổi 4 ha đất trồng sắn sang trồng xoài giống Đài Loan và chanh leo, thời tiết thuận, cây hợp đất nên phát triển tốt. Ngoài ra, Hồng còn đang trồng thử nghiệm 2 ha cây sa nhân và 1 ha cây hồng giòn. Học theo Hồng, nhiều thành viên trong HTX đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay, toàn HTX có 13,6 ha chanh leo, 5 ha xoài. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã chủ động liên kết sản xuất theo chuỗi với công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc và HTX Thanh Sơn (Mai Sơn) nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Chia tay chàng trai trẻ Thào A Hồng dám nghĩ, dám làm, chúng tôi mừng bởi anh đã thành công và thầm nghĩ nếu những bạn trẻ nào cũng có hoài bão, ước mơ như thế, chắc chắn vùng cao Sơn La sẽ có thêm những mô hình kinh tế đa dạng không chỉ xác lập vị trí cho mình mà còn tạo việc làm cho bà con trong vùng bớt đi những gian khó, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!