Cây cà phê giúp nông dân Thuận Châu làm giàu

Với 6.658 ha cây cà phê Aribica, huyện Thuận Châu là địa phương có diện tích cà phê lớn thứ 3 của tỉnh Sơn La. Cà phê được bà con trồng tập trung, áp dụng các biên pháp canh tác mới đã đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Giọng nữ

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu hướng dẫn nông dân xã Tông Lạnh chăm sóc cây cà phê. 

Cây cà phê được trồng tại Thuận Châu từ những năm 1990 theo chương trình phát triển cây cà phê của tỉnh. Ban đầu trồng ở xã Muổi Nọi, đến nay đã phát triển mở rộng đến các xã Tông Cọ, Chiềng Pha, Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Bản Lầm… Toàn huyện có 6.658 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 5.238 ha, năng suất trung bình đạt 5 - 6 tấn quả tươi/ha.

Cây cà phê phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, được tập trung theo quy hoạch. Để nâng cao năng suất và chất lượng, huyện Thuận Châu ban hành Đề án tái canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025. Đến nay, huyện đã tái canh, ghép cải tạo, và đốn trẻ hóa trên 440 ha cà phê bằng các giống mới, như: THA1, H1, Starmaya.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức 14 lớp tập huấn về sản xuất cà phê bền vững, thu hút hơn 750 lượt nông dân tham gia. Cùng với đó, phối hợp với Công ty cổ phần Detech đã đầu tư vào vùng nguyên liệu, thử nghiệm các giống cà phê có năng suất cao và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, như: THA1, H1, Starmaya tại xã Phổng Lái. Hiện nay, huyện đã xây dựng vùng sản xuất cà phê 4C với diện tích trên 400 ha, tập trung tại các xã: Tông Cọ, Chiềng La, Tông Lạnh.

Nông dân xã Chiềng La, huyện Thuận Châu kiểm tra diện tích cây cà phê. 

Để vụ cà phê 2025 đạt năng suất, chất lượng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông viên xã thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nhân dân bón phân cân đối, hợp lý, giảm lượng phân bón vô cơ, tăng lượng phân bón hữu cơ và hạn chế dùng các loại hóa chất. Thời điểm này cây đang trong giai đoạn đậu quả, nông dân cần tập trung tưới nước, bón phân. 

Nông dân xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu chăm sóc cây cà phê.

Về xã Bản Lầm, nơi có diện tích cà phê lớn nhất huyện với hơn 1.490 ha cây cà phê, trong đó, 1.439 ha cho thu hoạch, sản lượng 14.490 tấn quả tươi. Hiện nay, cây cà phê đã trở thành là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Lường Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, cho biết: Trong những năm gần đây, giá cà phê ổn định giao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg đã tạo nguồn thu nhập chính cho nhân dân, đời sống của nhân dân có sự thay đổi. Từ cây cà phê nhiều hộ trong xã có thu nhập từ 150-400 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2024, giảm 9% so với năm 2023.

Gia đình ông Lò Văn Phanh, bản Hiềm, xã Bản Lầm có 3 ha cây cà phê. Qua câu chuyện, được biết năm 2010, gia đình ông bắt đầu trồng 0,5 ha cây cà phê, thấy hiệu quả kinh tế, gia đình đã mở rộng diện tích lên 3 ha. Vụ cà phê vừa qua gia đình thu về hơn 400 triệu đồng. 

Theo ông Phanh, để giúp cây cà phê phục hồi nhanh, tiếp tục sinh trưởng, cho năng suất tốt, cần phải nắm vững quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn. Sau thu hoạch cây cà phê cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để bước vào thời kỳ phân hóa mầm hoa, nở hoa và nuôi trái non. Vì thế, việc bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi tốt là rất quan trọng.

Năm 2016, gia đình chị Quàng Thị Thơm, bản Hốn, xã Phổng Ly chuyển đổi 1,7 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây cà phê. Qua trò chuyện với chị Thơm được biết: Trước đây, việc sản xuất cà phê từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành, thu hái chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dẫn đến tình trạng cà phê bị thoái hóa, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vài năm trở lại đây, tôi luôn tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, năng suất đạt gần 8 tấn/ha. Vụ cà phê 2024, gia đình tôi thu hơn 800 triệu đồng từ cây cà phê. 

Nông dân bản Hốn, xã Phổng Ly, huyện Thuận Châu kiểm tra diện tích cây cà phê.

Với định hướng phát triển cây cà phê trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho người dân,  huyện Thuận Châu tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cà phê theo quy hoạch. Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cà phê cho người dân; thực hiện canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest Alliance. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất với người dân để xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới