Xã Bó Mười, huyện Thuận Châu có trên 2.550 ha đất nông nghiệp. Những năm qua, nhân dân trong xã đã tích cực chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tạo ra hướng phát triển tích cực hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo một cách bền vững hơn.
Cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây xoài Đài Loan.
Ảnh: PV
Để thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, cấp ủy, chính quyền xã đã vận dụng hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ để giúp người dân xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu đi đầu thực hiện trước, để bà con thấy hiệu quả học và làm theo. Đồng thời, chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã phối hợp với ban quản lý các bản, cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ giống, vật tư, tổ chức tập huấn tự nguyện về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả cho bà con; phối hợp với các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.
Đến nay, xã có 734 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài Đài Loan, nhãn, mận hậu, trong đó 163 ha đã cho thu hoạch, năm 2020, sản lượng các loại quả đạt trên 550 tấn. Việc chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đã mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã. Điển hình như mô hình trồng xoài Đài Loan của gia anh Cà Văn Kiên, bản Nà Sành, thu nhập 150 triệu đồng/năm; mô hình trồng xoài và mận của anh Lò Văn Phương, bản Sản, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
Đến bản Tra, là một trong những bản có nhiều hộ chuyển đổi diện tích cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây ăn quả. Ông Quàng Văn Tại, Trưởng bản, thông tin: Trước đây, 223 hộ trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn. Trải qua thời gian dài canh tác, đất bạc màu, năng suất thấp, giá bán lại bấp bênh. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Hiện, cả bản có 30 ha xoài Đài Loan đã bắt đầu cho thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Còn anh Lò Văn Phương, là hộ có thu nhập khá trong bản, cho biết: Năm 2016, gia đình tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chuyển đổi hơn 1 ha ngô, sắn sang trồng 400 gốc xoài giống Đài Loan, năm 2020 thu được hơn 2 tấn quả, với giá bán bình quân 20.000đ đến 25.000đ/kg. So với trồng ngô, sắn trước đây, thu nhập từ cây ăn quả tăng lên. Bên cạnh đó, gia đình tôi đang chăn nuôi 16 con trâu, bò, bình quân hằng năm thu từ cây ăn quả và chăn nuôi được trên 120 triệu đồng.
Trao đổi về hướng đi trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trong thời gian tới của xã, ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; khuyến khích các hộ dân sản xuất sản phẩm nông sản sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, tạo điều kiện cho các hộ hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế.
Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, bước đầu đem lại thu nhập ổn định, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Bó Mười đang ngày càng bền vững hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!