Bản Lầm hôm nay

Chúng tôi về xã Bản Lầm (Thuận Châu) vào một ngày tháng 8, chứng kiến những đổi thay trên miền quê cách mạng năm xưa. Những cánh đồng lúa xanh ngát, những vườn cây ăn quả phủ kín nương đồi; hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố... Cuộc sống của người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày.

Ký ức tự hào

                 

Với người dân Bản Lầm, ký ức và niềm tự hào về cuộc Cách mạng Tháng Tám luôn sống mãi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Giở lại từng trang sử vẻ vang, Bí thư Đảng ủy xã Cà Văn Minh cho biết: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bản Lầm là nơi ra đời của Đội tự vệ vũ trang đầu tiên của huyện Thuận Châu. Với vị trí gần Mường Chanh - căn cứ cách mạng của tỉnh, nhân dân Bản Lầm sớm giác ngộ cách mạng, là điều kiện thuận lợi để xã tổ chức, xây dựng khu an toàn, mở rộng phong trào cách mạng tới các vùng lân cận. Năm 1943, Bản Lầm có 3 thanh niên là Lường Văn Bốn, Cà Văn Sáng và Cà Văn Sam đi học chữ tại Chiềng Lề, ở trọ nhà ông Chu Văn Thịnh và được giác ngộ cách mạng. Tháng 10/1944, cả ba trở về xã, liên lạc với Hội Thanh niên cứu quốc và thành lập Đội du kích Bản Lầm với 25 đội viên, do ông Lường Văn Bốn làm Đội trưởng. Các đội viên thanh niên cứu quốc đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu về cách mạng, tập hợp người dân thành khối thống nhất lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Được nhân dân ủng hộ, từ 25 đội viên ban đầu, Đội đã tăng lên 58 đội viên và mở rộng địa bàn hoạt động. Ngày 25/8/1945, Đội du kích Bản Lầm cùng Đội du kích Mường Chanh do đồng chí Cầm Vĩnh Tri làm Đội trưởng đã tiến về tỉnh lỵ Sơn La, cùng với đội tự vệ của tỉnh lỵ và các châu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại tỉnh lỵ Sơn La.

 

 

 

Một góc Bản Lầm hôm nay.

                 

Cùng Bí thư Đảng ủy xã tới thăm gia đình ông Đèo Văn Hý, bản Buống Khoang, là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong ngôi nhà sàn đã cũ, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Hý vẫn rất minh mẫn. Trong câu chuyện kể về truyền thống cách mạng của gia đình, ông Hý tự hào: Bà nội tôi là Đèo Thị Pé có 5 người con, trong đó, 4 con trai, 1 con gái, con trai út Đèo Văn Pản, là chiến sĩ thuộc đơn vị Vệ quốc đoàn, tháng 11 năm 1946, trong trận đánh chống thực dân Pháp tại bản Quang Huy, xã Quang Huy (Phù Yên) đã hy sinh và con trai cả Đèo Văn Muôn là chiến sĩ Đội du kích Bản Lầm hy sinh năm 1949 khi tham gia đánh quân Pháp tại xã Chiềng Cọ. Bố tôi là cụ Đèo Văn Đôi cũng tích cực đi vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội, ông cũng là người tiên phong đưa người dân xã Bản Lầm đi tản cư lên tận Long Hẹ, Mường Bám trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua gần 30 năm công tác, giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã, với truyền thống của gia đình, ở cương vị nào ông Hý cũng luôn trách nhiệm với công việc được giao, đoàn kết cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất, phát triển kinh tế.

                 

Bản Lầm hôm nay

                 

Chủ tịch UBND xã Bản Lầm Hà Văn Nghĩa phấn khởi thông tin: Nếu như trước kia, người dân chỉ trồng lúa, ngô, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, thì nay các hộ trong xã đã đưa những cây trồng chất lượng cao, như: Cà phê, mận hậu, bơ, xoài... vào trồng, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã có 1.077 ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 900 ha, năng suất 8 tấn/ha; diện tích cây ăn quả 127 ha; trên 1.000 con trâu, bò, hơn 570 con dê...

 

 

 

Đường nội bản được bê tông hóa.

                 

Đến thăm mô hình kinh tế tiêu biểu của ông Lò Văn Muôn, bản Buống Khoang. Trước đây, do thiếu vốn, nên gia đình ông chỉ nuôi 1, 2 con gia súc làm sức kéo sản xuất nông nghiệp. Từ khi được tạo điều kiện vay vốn phát triển chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống ngày một ấm no. Ông Muôn nói: Có vốn, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về nuôi, nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nên đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, gia đình có gần 40 con trâu, bò, mỗi năm trừ chi phí, thu nhập hơn 200 triệu đồng.

                 

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên đã tiếp thêm động lực để xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, xã đã khởi công xây dựng 5 công trình gồm: cầu bản Phé, cầu bản Buống, nhà văn hóa bản Bua Lành, nhà lớp học Trường Tiểu học - THCS Bản Lầm; đã hoàn thành 14 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài gần 8 km, tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng; hiện xã đạt 9/19 tiêu chí về nông thôn mới. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; duy trì số học sinh đến lớp ở các cấp học, bậc học; công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe được quan tâm; phong trào văn hóa, văn nghệ được duy trì và phát triển; an ninh trật tự được bảo đảm.

                 

Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, xã Bản Lầm quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo, từng bước cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng quê hương Bản Lầm ngày càng phát triển.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới