Trở lại bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái (Thuận Châu) lần này thấy có nhiều thay đổi, hơn 2 km đường vào bản trước đây gập ghềnh sỏi đá vừa được bà con làm lại bằng bê tông. Bên rìa những cánh rừng xanh tốt, nương sa nhân vừa sau kỳ thu hoạch quả đang được bà con chăm sóc, những vườn chanh leo mới trồng, sau cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu leo giàn.
Người dân bản Cổng Chặp, xã Phổng Lái trồng chanh leo.
Cổng Chặp là tên bản mới, được sáp nhập từ 3 bản (Mô Cổng, Pá Chặp và Nà Ngụa) vào cuối năm 2019, bản có 177 hộ, 570 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Đây là bản có diện tích rừng lớn và là một trong những bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã Phổng Lái. Đón chúng tôi trong ngôi nhà gỗ khang trang vừa mới hoàn thiện, anh Sùng A Só, Trưởng bản, thông tin nhanh: Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, bản đã hoàn thành tuyến đường bê tông vào bản, bước vào vụ sản xuất lại được HTX Đồng Giao (Mộc Châu) cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật thuật và liên kết với 40 hộ trồng 10 ha chanh leo, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nên bà con phấn khởi lắm. Mấy hôm nay tranh thủ có cơn mưa đầu mùa, thanh niên trong bản đều đi giúp các hộ đào hố, chuyển giống, phân bón và làm giàn, trồng chanh leo, bản lại huy động lực lượng tiếp tục phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa PCCCR.
Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là việc đưa cây sa nhân vào trồng thay thế diện tích cây lương thực trên nương và trồng dưới tán rừng, nên bà con có thu nhập ổn định. Hiện nay, cả bản nhà nào cũng trồng sa nhân, nhà ít cũng có mấy nghìn m2, nhà nhiều thì 2-3 ha, với tổng diện tích 50 ha cây sa nhân, chiếm 50% diện tích đất sản xuất của bản, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Bản Cổng Chặp hiện có gần 400 ha rừng tự nhiên, từ nhiều năm nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng được đưa vào hương ước, quy ước. Trong đó, quy định rõ các hộ gia đình ổn định diện tích nương rẫy đã khai hoang từ trước, không được lấn chiếm vào rừng; người dân được phép vào rừng lấy củi, nhưng tuyệt đối không chặt cây tươi, mà chỉ được lấy những cây khô có đường kính dưới 20 cm, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt 500.000 đồng cho vào quỹ của bản. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bản, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Tính riêng trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), bản được Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh chi trả gần 400 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng. Từ nguồn kinh phí này, Ban quản lý bản đã tổ chức họp dân công khai và thống nhất các khoản chi tiêu. Trong đó, năm 2016, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản đã trích gần 100 triệu đồng để làm nhà văn hóa, mua dụng cụ PCCCR và hỗ trợ tổ bảo vệ PCCCR của bản. Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ xi măng theo chương trình xây dựng nông thôn mới, bản đã thống nhất mỗi khẩu đóng góp 300 nghìn đồng và toàn bộ số tiền gần 300 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng được chi trả của hai năm (2017-2018) dùng để làm hơn 2 km đường bê tông vào bản.
Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, cuối tháng 2 vừa qua, bản Cổng Chặp đã xây dựng quy chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Quy chế được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và công khai minh bạch. Nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho cộng đồng bản, số tiền được chi trả hằng năm sẽ trích 25% cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, PCCCR và trả thù lao cho thành viên tổ QLBVR để thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng; 60% để duy tu, sửa chữa nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương nội đồng, mua các trang thiết bị cần thiết phục vụ các hoạt động của người dân trong bản và 15% giao cho nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản để cho các hội viên vay phát triển sản xuất.
Chia tay bản Cổng Chặp cũng là lúc bà con vừa trồng xong nương chanh leo sát bìa rừng. Trưởng bản Sùng A Só cho biết thêm: Cuối tháng 2 vừa qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Sơn La đã tổ chức hướng dẫn Chi hội phụ nữ bản thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; bản cũng đã thống nhất việc sử dụng 60% số tiền khoảng hơn 100 triệu được chi trả của năm 2019 để làm sân vận động. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cây trồng hợp lý và làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tạo sinh kế, tăng thu nhập từ nghề rừng, cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ giúp các hộ thoát nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!