Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo bộ, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn; bên cạnh cơ hội, thuận lợi, có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức mới xuất hiện và gay gắt hơn trước. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát huy mạnh mẽ bản sắc "Ngoại giao cây tre Việt Nam".

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông qua nhiều đề án đối ngoại quan trọng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII, như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII; các kết luận, chỉ thị về phát triển quan hệ với một số đối tác quan trọng, hợp tác ASEAN, hợp tác tiểu vùng Mê Công, công tác ngoại giao kinh tế, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đối ngoại nhân dân...

Ngoài ra, thành công của các chuyến thăm, điện đàm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, các nước ASEAN; nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden... đã tạo bước phát triển mới trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.

Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao khi Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc; đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột...

Hội nghị được trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, những vấn đề quan trọng, nhiệm vụ chính trị của ngành ngoại giao từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII được thảo luận, đề ra các chương trình, đề án, biện pháp triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại và xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kết quả của hội nghị không chỉ định hướng cho công tác của ngành ngoại giao trong 2-3 năm tới, mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới và xây dựng nội dung đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIV. 

Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi các diễn biến, dự báo sớm tình hình, đánh giá các tình huống tác động tới Việt Nam; luôn chủ động, không để bất ngờ trước mọi tình huống. Kiên định nguyên tắc, độc lập về sách lược, xử lý hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc và các mối quan hệ quốc tế; xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa toàn Đảng, toàn dân, có đường lối đối ngoại đúng đắn, tạo sức mạnh tổng hợp, hiệu quả, hiệu lực của công tác đối ngoại. Làm tốt việc kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao toàn diện về phẩm chất, năng lực, trí tuệ. Tiếp tục kiên trì, nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến công tác đối ngoại mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra...

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới