Những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 8/9/2016, những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của cả nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào ngày 20/12/2022, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người, quốc gia.
Thực tế, ở nước ta đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động hiệu quả như: điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Song song với thị trường trong nước, thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới cũng đạt kết quả tốt với nhiều sản phẩm có chất lượng.
Không thể phủ nhận những dấu ấn phát triển của một số thị trường sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, tuy nhiên cũng cần thừa nhận một thực tế là các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chưa đa dạng, phong phú, kém hấp dẫn, thiếu tính độc đáo, ứng dụng nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm chưa khai thác tối ưu đặc sắc văn hóa bản địa, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các thị trường quốc tế.
Trong khi, tính đặc trưng của văn hóa bản địa là một trong những điểm quan trọng trong thiết kế để nhận diện sản phẩm văn hóa của mỗi quốc gia, góp phần làm nên thương hiệu quốc gia. Đơn cử như thủ công mỹ nghệ, lĩnh vực được đánh giá là mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa vẫn đang loay hoay tìm hướng đi để liên tục đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính bản địa độc đáo, hấp dẫn trong các thiết kế mẫu mã bởi khi bước ra thị trường thế giới, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của một số quốc gia. Các nghệ nhân ở các làng nghề đa phần mới chỉ là thợ khéo tay chứ chưa phải là nhà thiết kế mẫu, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Chưa kể, nhiều làng nghề hiện chỉ sản xuất gia công theo mẫu thiết kế của nước ngoài, có rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng và tiếp cận được các yêu cầu sử dụng của thị trường thế giới. Hay như lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch văn hóa là một thế mạnh của Việt Nam nhưng dường như đang trở nên bão hòa với nhiều sản phẩm, dịch vụ na ná nhau, thiếu bản sắc riêng. Thậm chí, không ít doanh nghiệp khai thác du lịch kiểu chộp giật, mạnh ai nấy làm, không những không tạo ra giá trị kinh tế mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến di sản và văn hóa bản địa.
Đề cập đến các sản phẩm công nghiệp văn hóa không thể không nhắc đến các sản phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật. Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự nở rộ của khá nhiều tác phẩm mới, từ điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn... nhưng thực tế, những tác phẩm có thể chinh phục khán giả trong nước cũng như thế giới chưa nhiều. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu; các không gian sáng tạo bùng nổ ở nhiều đô thị nhưng có chiều hướng phát triển không bền vững...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Việt Nam chưa có nhiều tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Ở lĩnh vực điện ảnh, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp đếm được trên đầu ngón tay và đáng tiếc là hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế, được mời xem miễn phí.
Việt Nam chưa có nhiều tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Ở lĩnh vực điện ảnh, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp đếm được trên đầu ngón tay và đáng tiếc là hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế, được mời xem miễn phí.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Phim Việt của tư nhân ra rạp mỗi năm cũng không thấm vào đâu và phần lớn vẫn lép vế về lượng khán giả so với phim nước ngoài. Số lượng phim sản xuất để phát trên các nền tảng số đã tăng nhiều nhưng nội dung khó kiểm soát, không ít phim có nội dung nhảm nhí, phản cảm, tuyên truyền văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực... gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Một số phim Việt đã được phát hành ở thị trường nước ngoài nhưng chưa có phim nào thật sự tạo được tiếng vang.
Trong lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh những sản phẩm ghi được dấu ấn khi kết hợp và khai thác các chất liệu của văn hóa dân gian thì có không ít sản phẩm sáng tạo là “hàng lỗi”, “hàng kém chất lượng” bởi mang hơi hướng nửa mùa, lai căng, phản văn hóa. Nhạc sĩ Quốc Trung đã từng chia sẻ về hiện trạng đau lòng là kho tàng âm nhạc dân gian phong phú đã và đang trở thành những món “fast-food”, phục vụ du khách theo những cách nghiệp dư hay dịch vụ một cách suồng sã.
Có thể thấy, công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu mặc dù tiềm năng về sức sáng tạo, nguồn lực là rất lớn. Với quy mô dân số gần 100 triệu người nhưng kết quả khảo sát về sức tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp văn hóa cho thấy, người Việt vẫn ưu ái hàng ngoại hơn bởi hàng nội chưa tạo được đột phá, chưa đủ hấp dẫn.
Điều này dẫn đến thực tế Việt Nam đã và đang phải nhập siêu về văn hóa từ các quốc gia cùng khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Thậm chí, giai đoạn 2015-2020, gần 62% phim chiếu trên sóng VTV3-Đài Truyền hình Việt Nam là phim nhập khẩu hoặc phim dựng từ kịch bản mua bản quyền nước ngoài (phim Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ lệ 79%). Hiện, phim hoạt hình, truyện tranh, các chương trình gameshow nước ngoài hoặc theo format nước ngoài cũng đang chiếm sóng.
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, ngành công nghiệp âm nhạc và công nghiệp điện ảnh với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đậm dấu ấn văn hóa không chỉ đóng góp những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng thế giới mà còn mang về những lợi ích kinh tế khổng lồ. Thí dụ năm 2021, chỉ riêng nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc đã mang về 56 nghìn tỷ won (tương đương 45,5 tỷ USD), con số dường như chỉ những tập đoàn kinh tế lớn mới có thể đạt được.
Bên cạnh những trở ngại từ cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển, một trong các nguyên nhân quan trọng khác khiến các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam thiếu tính độc đáo, cạnh tranh là lâu nay, văn hóa và công nghiệp văn hóa thường được nhìn nhận ở góc độ mang lại các giá trị tinh thần, ít được coi là một loại hàng hóa lưu thông theo các quy luật của nền kinh tế thị trường.
Các nhà quản lý và cả những người thực hiện đều khá mơ hồ, lúng túng, chưa có một hình dung rõ ràng thế nào là một ngành công nghiệp âm nhạc hay công nghiệp điện ảnh... nên chưa có sự đầu tư bài bản, xứng tầm. Các yếu tố kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa như: việc tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường, marketing, xúc tiến thương mại... chưa được chú trọng đúng mức. Mặt khác, việc khai thác các giá trị văn hóa, sử dụng các chất liệu văn hóa bản địa chưa đúng cách, chưa tạo được sự kết nối giữa truyền thống và đương đại khiến các sản phẩm ít có sự bứt phá trong thiết kế, ý tưởng sáng tạo.
Trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa như hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không những phải đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa riêng mà còn cần tương thích với những giá trị chung của toàn cầu.
Có như vậy, mới thu hút được người tiêu dùng trong nước, hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa, đồng thời có được những sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút trên toàn cầu, tạo cơ hội cho xuất khẩu văn hóa. Các cơ quan quản lý, các địa phương cần xác định rõ và đánh giá đúng vai trò kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho thị trường văn hóa phẩm phát triển bằng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế.
Từ đó, có một chiến lược dài hơi, rõ ràng, đầu tư bài bản, tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng, phát triển và mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đồng thời, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa cũng luôn phải đặt đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa là nhu cầu tự thân, cần được phát huy mỗi ngày, từng bước xây dựng một thị trường sản phẩm văn hóa đa dạng, giàu sức sống.
Song song với khuyến khích sáng tạo, cũng cần có những biện pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả để thị trường này phát triển đúng hướng; tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp các chủ thể phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo, bảo đảm “sức mạnh mềm” quốc gia được tạo nên từ những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!