Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Đó là mảng đề tài hấp dẫn và vô cùng phong phú để báo chí tìm hiểu, phản ánh. Những năm qua, với nhiều ấn phẩm phong phú về nội dung và hình thức, Báo Sơn La đã làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn văn hóa độc đáo các dân tộc tỉnh Sơn La trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và hội nhập thế giới.
Cấp ủy, Ban Biên tập Báo Sơn La đã quán triệt, định hướng nội dung tuyên truyền theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”...
Về nội dung, Báo Sơn La đã tuyên truyền, ngợi ca các giá trị văn hóa truyền thống của Sơn La, trung tâm là con người Sơn La có nhân cách, lối sống tốt đẹp, “Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo, khát vọng vươn lên” trong lao động, sản xuất, sinh hoạt, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khắc họa sinh động những nét văn hóa đặc trưng của 12 dân tộc anh em trên địa bàn, từ nhà ở, trang phục, vật dụng và công cụ lao động, ẩm thực, tới những trò chơi dân gian, chữ viết, ca, múa, nhạc, họa. Đặc biệt là tôn vinh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục dân tộc Mông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Báo Sơn La tuyên truyền đậm nét các sự kiện về văn hóa, như: Sắc màu văn hóa Sơn La tại Hà Nội; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu dịp Tết Độc lập hằng năm; Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quỳnh Nhai được tổ chức đầu xuân; Lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; Lễ hội Hết chá bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu... đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Tuyên truyền, cổ vũ các cấp, các ngành quan tâm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, như: Phục dựng lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; “Truyền khẩu - truyền vai - truyền tay” trong việc sưu tầm, sáng tác và biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc đậm chất dân tộc dân gian; các phong trào văn hóa - văn nghệ; sưu tầm, khảo cổ; tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La... Nêu gương, tôn vinh những nghệ nhân dân gian trên các lĩnh vực.
Mặt khác, Báo Sơn La cũng phê phán, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan, như: Du canh du cư, vượt biên trái phép; truyền học đạo trái phép và trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; tảo hôn, sinh nhiều con; thách cưới bằng bạc trắng; tục bắt vợ, ép cưới, cúng ma chữa bệnh... Đấu tranh với hành vi, hoạt động, nội dung không đúng chuẩn mực văn hóa; xâm hại văn hóa. Đặc biệt, gần đây nhất, Báo Sơn La đã có những bài viết phản bác sự xuất hiện một tổ chức tôn giáo lạ mang tên “Bà cô Dợ” tại bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, đã lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào, tuyên truyền, tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông”, gây phức tạp về an ninh, trật tự và tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, xã hội của một bộ phận quần chúng nhân dân trên địa bàn...
Về hình thức, thời lượng được Báo Sơn La thông tin đa dạng, phong phú về văn hóa các dân tộc Sơn La trên cả 3 ấn phẩm: Báo Sơn La thường kỳ dành số thứ 6 hằng tuần có trang chuyên về về văn hóa - văn nghệ; Tờ Tin ảnh Sơn La duy trì chuyên mục “Nét đẹp Sơn La”; Báo Sơn La điện tử có chuyên mục “Văn hóa - Xã hội”, cửa sổ “Sơn La - đất nước - con người” phát huy ưu thế của loại hình báo chí đa phương tiện tăng tính sinh động, hấp dẫn thông qua bài viết, ảnh, radio, video clip, Emagazine... Ngoài ra các chuyên mục, thông tin về văn hóa còn chiếm thời lượng lớn trên các số báo.
Trong thời đại công nghệ 4.0, các thông tin trong và ngoài nước tràn ngập trên không gian mạng, tác động cả hai mặt tích cực và tiêu cực tới văn hóa mọi dân tộc trên thế giới, Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng cũng không ngoại lệ. Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, năm 2023, Báo Sơn La xây dựng chuyên trang tiếng Anh và tiếng dân tộc trên Báo Sơn La điện tử, tạo thêm kênh thông tin tuyên truyền, quảng bá văn hóa Sơn La tới toàn quốc và thế giới. Không chỉ kết nối văn hóa ở phạm vi không gian, với kênh tiếng dân tộc còn là “sợi dây” kết nối văn hóa lịch sử - tương lai, ý nghĩa trước hết là lưu giữ chữ viết đồng bào dân tộc, đồng thời là nơi lưu giữ văn hóa trên không gian mạng, có thể dễ dàng tra cứu mọi lúc, mọi nơi.
Những thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa trên Báo Sơn La góp phần cùng hệ thống thông tin đại chúng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, cổ vũ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, góp phần đấu tranh phản bác các hành vi, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng văn hóa để kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; phòng ngừa tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan.
“Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Phát huy vai trò “những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng”, Ban Biên tập, phóng viên, biên tập viên Báo Sơn La luôn có ý thức và trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; thực hiện tốt các chức năng báo chí, nhất là chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí, tiếp tục khơi nguồn văn hóa trường tồn với thời gian.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!