Ngày 17/5, UBND tỉnh đã tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam” (1943-2023).
Tới dự có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Tráng Thị Xuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố; các nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trên địa bàn Thành phố.
Năm 1943, trước bối cảnh cao trào kháng Nhật và chống thực dân Pháp, trong lúc Đảng hoạt động bí mật, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, với ba nguyên tắc cơ bản là: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Với nội dung cơ bản thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, đây là văn kiện có tính cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của Đề cương đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển để từng bước hoàn thiện tư duy lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đề cương là ngọn đuốc soi đường và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Ðảng, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, trong hội nhập và phát triển.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được theo dõi phim tài liệu 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”; giao lưu, trao đổi về tầm vóc và ý nghĩa của “Đề cương Văn hóa Việt Nam”, việc kế thừa giá trị của Đề cương trong bối cảnh hiện nay gắn với thực tiễn ở Sơn La. Tổ chức thảo luận về các nội dung liên quan đến tính thực tiễn của Đề cương trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước nói chung và Sơn La nói riêng; vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch ở tỉnh ta…
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đồng chí Lò Minh Hùng đã khẳng định: Phát huy giá trị của Đề cương, đối với tỉnh Sơn La, công tác xây dựng và phát triển văn hóa luôn được quan tâm, chú trọng và đạt được những kết quả quan trọng.
Đồng chí đề nghị: Các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; đầu tư nguồn lực tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp và khoa học công nghệ 4.0 trong phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc Sơn La; phấn đấu xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Tại cuộc tọa đàm, đồng chí Tòng Thị Phóng phát biểu khẳng định giá trị trường tồn của Đề cương văn hóa Việt Nam; khẳng định ý nghĩa quan trọng, giá trị lớn lao của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà, trong xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời đại ngày nay, văn hóa càng phải được bảo tồn, phát huy, phát triển đúng định hướng để bảo vệ giá trị cốt lõi, làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Căn cứ vào đường lối văn hóa của Đảng, soi đường cho chủ trương, phương pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh Sơn La; kiên trì phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa – xã hội; coi trọng việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp.
Tại Tọa đàm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương Văn hóa Việt Nam”, nhiều đại biểu đã có ý kiến tham gia tâm huyết khẳng định giá trị trường tồn của Đề cương Văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!