Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Ngày 21/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Dự và chỉ đạo phiên họp có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, dự phiên họp có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Quán triệt và thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế được ngành Ngoại giao triển khai quyết liệt, toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao tập trung đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế theo 3 định hướng lớn: Tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước, chủ động, tích cực hơn trong kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước; tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác đồng thời bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác; ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư, du lịch, nông nghiệp cũng như các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế. Các hoạt động ngoại giao kinh tế mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2024, sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó công tác ngoại giao cần phải chủ động, bám sát tình hình mới; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bám sát xu thế, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác, phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế. Phát huy tính tự lực tự cường của dân tộc. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới