Nhìn lại ASIAD 19: Sức mạnh và vị thế của thể thao châu lục

Với sự tham gia thi đấu của hơn 12.000 vận động viên (VĐV) thuộc 45 đoàn thể thao các nước và vùng lãnh thổ tham dự, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đã khép lại với nhiều ấn tượng về công tác tổ chức và chuyên môn thi đấu.

VĐV Khánh Phong đoạt HCB thể dục dụng cụ cho Việt Nam tại ASIAD 19.
VĐV Khánh Phong đoạt HCB thể dục dụng cụ cho Việt Nam tại ASIAD 19.

Đây không những là kỳ Á vận hội kỷ lục về số lượng VĐV, số môn thi đấu mà còn nổi bật về các kỷ lục thành tích, cho thấy sự phát triển của thể thao châu lục. ASIAD 19 đồng thời cũng thể hiện khả năng thật sự của thể thao Việt Nam.

Không chỉ lãnh đạo Hội đồng Olympic châu Á và thành viên của 45 đoàn thể thao mà những người tham dự ASIAD 19 cũng như khán giả, người hâm mộ châu lục và thế giới đều thừa nhận nước chủ nhà Trung Quốc đã tổ chức một kỳ Á vận hội thành công ngoài mong đợi, thể hiện sự phát triển của thể thao trong thời đại công nghệ số trong chuẩn bị đón tiếp, phục vụ tập luyện và thi đấu, nhất là ở hai lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng, ấn tượng và tràn đầy cảm xúc.

Cuộc đua tranh khốc liệt

Đây là kỳ Á vận hội nổi bật với những thành tích kỷ lục và số lượng Huy chương vàng (HCV) mà các VĐV thiết lập.

Trong đó, riêng môn cử tạ đã có 9 lần phá kỷ lục thế giới đầy ấn tượng, 59 lần lập kỷ lục châu Á và kỷ lục ASIAD. Ở môn bắn súng cũng đã có 6 kỷ lục thế giới, 9 kỷ lục châu Á, 19 kỷ lục đại hội được thiết lập. Nhiều nhất là môn bơi với 42 kỷ lục châu Á và kỷ lục đại hội mà chủ yếu là của các VĐV Trung Quốc.

Đây là kỳ Á vận hội nổi bật với những thành tích kỷ lục và số lượng Huy chương vàng (HCV) mà các VĐV thiết lập.

Bắn cung cũng có 9 kỷ lục đại hội mới của các VĐV Hàn Quốc và Iran. Về điền kinh, có 9 kỷ lục đại hội, nổi bật là kỷ lục nhảy sào 5,9m của VĐV người Philippines cùng 4 kỷ lục của các VĐV nhập tịch Bahrain. Trong đua xe đạp, các VĐV của Trung Quốc và Nhật Bản đã có 14 lượt phá kỷ lục đại hội. Bên cạnh đó là 5 kỷ lục đại hội ở môn leo núi.

Tại ASIAD lần này, Đoàn thể thao Trung Quốc một lần nữa thể hiện sức mạnh vượt trội khi giành 201 HCV (chiếm 41,6% số HCV của 481 nội dung) để lần thứ 11 liên tiếp kể từ năm 1982 dẫn đầu trên bảng xếp hạng thành tích đại hội, đồng thời phá kỷ lục về số HCV giành được trong một kỳ đại hội tổ chức tại Trung Quốc (so với kỳ ASIAD tổ chức năm 2010 tại Quảng Châu 199 HCV).

Ở hầu hết các môn thi đấu, đặc biệt là các môn trong chương trình Olympic, nước chủ nhà chiếm ưu thế rõ rệt với 28 HCV môn bơi, 19 HCV môn điền kinh, 16 HCV bắn súng, 11 HCV môn đua thuyền rowing, 10 HCV nhảy cầu, 9 HCV môn đua thuyền canoeing, 8 HCV môn thể dục dụng cụ, 6 HCV môn bóng bàn, 5 HCV môn boxing, 5 HCV cử tạ, 4 HCV cầu lông...

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bội thu huy chương ở các nội dung không nằm trong chương trình thi đấu Olympic như 11 HCV môn wushu, 5 HCV đua thuyền rồng, 3 HCV môn cờ tướng…

Trên bảng xếp hạng huy chương, hai đoàn lần lượt xếp sau trong tốp 3 dẫn đầu vẫn là Nhật Bản và Hàn Quốc, những cường quốc thể thao hàng đầu châu lục, trong đó Hàn Quốc giành tấm HCV danh giá nhất ở môn bóng đá nam còn Nhật Bản vượt trội với HCV môn bóng đá nữ.

ASIAD 19 một lần nữa là thước đo đánh giá lại thực lực nền thể thao các nước Đông Nam Á. Không còn lợi thế vượt trội ở môn pencak silat như khi là chủ nhà đăng cai tổ chức ASIAD 18, Indonesia mất vị trí số một song vẫn giành 5/7 HCV ở các nội dung Olympic. Thái Lan đã vươn lên chiếm ngôi đầu Đông Nam Á tại Á vận hội năm nay. Mặc dù để giành vị trí này, Thái Lan đã nỗ lực đưa môn cầu mây vào thi đấu và giành 4 HCV ở môn đấu này cùng 1 HCV của môn thể thao điện tử. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận sự đầu tư hiệu quả của đất nước này ở các môn thể thao Olympic và giành HCV với 3 HCV môn sailing/thuyền buồm, 2 HCV môn golf, 2 HCV môn taekwondo.

Malaysia là đoàn thứ ba của khu vực có một kỳ ASIAD thành công, trong đó có 3 HCV môn squash (bóng quần), 1 HCV karatedo và chỉ có 2 HCV trong chương trình Olympic là cưỡi ngựa và thuyền buồm.

Cũng giống như Indonesia (từng giành HCV môn cầu lông tại Olympic), Malaysia cũng từng là “thế lực” ở môn cầu lông tại châu Á (đoạt HCB cầu lông Olympic), song không thể cạnh tranh huy chương ở môn đấu này tại ASIAD 19.

Philippines tuy vươn lên vị trí thứ tư của khu vực tại ASIAD 19 nhờ 2 HCV ở môn jujitsu nhưng lại giành HCV ấn tượng ở môn bóng rổ nam và HCV cùng kỷ lục đại hội ở môn điền kinh. Là nước duy nhất ở Đông Nam Á từ lâu đã chuyển hướng chỉ đầu tư mạnh cho các môn thể thao Olympic, Singapore đã thành công với 3 HCV điền kinh và thuyền buồm.

Singapre đang cho thấy sự vươn tầm thật sự của mình khi không còn xem đại hội thể thao khu vực - SEA Games là đấu trường quan trọng.

Kết thúc ASIAD 19, đã có 41/45 đoàn thể thao tham dự có huy chương, chỉ có bốn đoàn không có huy chương.

Thành tích HCV chênh lệch giữa các đoàn trong tốp 10 với các đoàn xếp sau và giữa tốp 3 với các đoàn còn lại, nhất là sự chênh lệch số HCV giữa đoàn Trung Quốc dẫn đầu với hai đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc (gấp bốn và năm lần) cùng những kỷ lục được thiết lập, đã cho thấy sự đua tranh khốc liệt của đấu trường Á vận hội cũng như sự phát triển vượt bậc và những tiến bộ của thể thao các nước châu Á đã và đang tiệm cận và ngang bằng thể thao thế giới.

Nhìn lại ASIAD 19: Sức mạnh và vị thế của thể thao châu lục ảnh 1

Cần tập trung đầu tư vươn tầm

Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc hành trình thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng.

Dù dẫn đầu ở hai kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua, nhưng Đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp hạng 6 ở ASIAD 19 so với các nước trong khu vực như Thái Lan (12 HCV, hạng 8), Indonesia (7 HCV, hạng 13), Malaysia (6 HCV, hạng 14), Philippines (4 HCV, hạng 17), Singapore (3 HCV, 6 HCB, hạng 20) cho thấy thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự tập trung cho các môn thi đấu cơ bản của ASIAD và Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc hành trình thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng.
 

Nếu nhìn vào 3 HCV mà thể thao Việt Nam giành được, duy nhất HCV môn bắn súng ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam mà VĐV Phạm Quang Huy giành được là có trong chương trình thi đấu Olympic.

Thực tế, tấm HCV của Quang Huy có được lại từ khoảnh khắc nhất định, chứ không phải đến từ đẳng cấp của một xạ thủ đã khẳng định tên tuổi, trong đó có dấu ấn của chuyên gia Hàn Quốc và nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh.

Hai HCV còn lại chỉ có được từ những cuộc cạnh tranh ở phạm vi nhỏ, ít đội tuyển và VĐV mạnh tham gia. HCV cầu mây nội dung 4 nữ giành được khi Thái Lan không tranh tài.

HCV biểu diễn quyền 3 nữ môn karatedo không có sự cạnh tranh của các VĐV Nhật Bản, thậm chí VĐV của Indonesia cũng không thi đấu khiến nội dung này chỉ có 4 nước Đông Nam Á tham dự.

Một trong những nguyên nhân khách quan khiến thể thao Việt Nam giành được quá ít HCV trong các nội dung Olympic có một phần đến từ lý do chấn thương. Đáng tiếc nhất là VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thật bước vào thi đấu với phong độ không cao do ảnh hưởng của chấn thương trước đó, cho nên chỉ đứng thứ 4 chung cuộc.

Trong khi đó, hầu hết những thất bại còn lại đều do các VĐV không đạt phong độ tốt nhất. Điển hình là thất bại của các tuyển thủ điền kinh khi không thể giành huy chương.

Nguyễn Thị Oanh chỉ về đích thứ 7 ở nội dung 1.500m nữ với thành tích 4 phút 24 giây 19, kém xa thành tích hồi tháng 5 vừa qua tại SEA Games 32 là 4 phút 16 giây 85. Đội nữ tiếp sức 4x400m môn điền kinh vừa giành HCV châu Á cũng chỉ đứng thứ 4 tại ASIAD 19 (cho dù đã rút ngắn thời gian thi đấu so với thành tích ở giải châu Á) bởi các đối thủ quá mạnh.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thành tích đội tuyển điền kinh nước ta không được như mong đợi.

Trước hết, họ phải thi đấu quá nhiều trong năm 2023: tháng 5 đấu SEA Games 32, tháng 7 thi vô địch châu Á, tháng 8 dự Giải vô địch thế giới và ngay sau đó là ASIAD 19, để rồi khi về nước lại chuẩn bị dự... Giải vô địch quốc gia.

Nguyên nhân thứ hai, song cũng mang tính quyết định, điền kinh Việt Nam thiếu huấn luyện viên giỏi, đồng thời không có chuyên gia nước ngoài. Việc không có chuyên gia giỏi dẫn dắt khiến nhiều đội tuyển có khả năng tranh chấp huy chương đã trắng tay như cử tạ là một thí dụ.

Từng có VĐV giành huy chương Olympic, cử tạ ngày càng tụt hậu, sau cú sốc doping đến nay chưa thể hồi phục và rất khó nâng cao thành tích nếu không có chuyên gia nước ngoài giỏi.

Ở một số bộ môn, dù có chuyên gia nước ngoài, song thành tích vẫn chưa cải thiện nhiều mà nguyên nhân có thể do phương pháp huấn luyện, sự am hiểu tâm lý, tố chất người Việt...

Rõ nhất là trường hợp của VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng. Năm 2019, Huy Hoàng đạt thành tích 14 phút 58 giây 14 ở nội dung sở trường 1.500m tại SEA Games 19, nhưng đến nay dù vẫn đều đặn đi tập huấn nước ngoài và có chuyên gia Hungary, VĐV này vẫn chưa thể nâng cao thành tích.

Nhiều đội tuyển như rowing (chuyên gia Australia), bóng bàn (chuyên gia Trung Quốc), boxing (chuyên gia Uzbekistan), taekwondo (chuyên gia Hàn Quốc), wuhsu (chuyên gia Trung Quốc), judo (chuyên gia Đức), đấu kiếm (chuyên gia Nga), nhưng thành tích vẫn chỉ khá nhỉnh ở đấu trường Đông Nam Á.

Việc Đoàn thể thao Việt Nam vừa dẫn đầu tại SEA Games 32 cho thấy sự phát triển và mở rộng của phong trào thể thao Việt Nam. Từ chỗ chỉ có một số môn võ, bắn súng... có thể cạnh tranh huy chương SEA Games ở thập kỷ trước, đến nay rất nhiều VĐV ở hầu hết các môn thi đấu đã có khả năng giành HCV Đông Nam Á, thậm chí đủ sức vươn lên dẫn đầu như vật, điền kinh...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ở đấu trường châu Á cũng như Olympic chúng ta đã tụt hậu và cần có sự thay đổi về định hướng đầu tư cho thể thao đỉnh cao. Kinh phí cho thể thao Việt Nam mỗi năm khoảng 900 tỷ đồng, vốn đã ít lại bị san sẻ đầu tư cho quá nhiều VĐV, quá nhiều môn thể thao theo kiểu dàn đều chứ chưa tập trung đầu tư đỉnh cao được xem là nguyên nhân chủ yếu.

Riêng việc Việt Nam cử đoàn tham dự ASIAD với hơn 500 thành viên cũng bị xem là chưa phù hợp, trong khi chúng ta đang cần kinh phí đầu tư tập trung và trọng tâm hơn cho những môn thế mạnh, những VĐV trọng điểm có khả năng giành huy chương.

Cũng không thể giải thích theo kiểu chỉ nhìn vào yếu tố kinh tế mà bài học của thể thao Triều Tiên (đã giành 11 HCV, phá nhiều kỷ lục thế giới và châu Á) hay Kyrgyzstan, đất nước có khoảng 7 triệu dân, nhưng đã giành tới 4 HCV.

ASIAD 19 là thước đo thực tế để thể thao Việt Nam có thể hiểu về sức mạnh thật sự và vị thế trên đấu trường châu lục cũng như khu vực.

Đã đến lúc không thể chậm trễ, đòi hỏi các nhà quản lý và làm thể thao ở nước ta cần có những thay đổi mạnh mẽ về định hướng chiến lược phát triển, đưa thể thao phát triển đi vào chiều sâu, có chiến lược đầu tư đúng hướng, tập trung cho các môn thể thao cơ bản Olympic, ASIAD.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới