Thương binh làm kinh tế giỏi

Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Trần Duy Tuyên, thương binh 4/4, ở tổ 6, phường Chiềng Sinh (Thành phố) vẫn luôn giữ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình.

Thương binh Trần Duy Tuyên chăm sóc vườn cây.

Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, năm 1971, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 264, Trung đoàn 18 Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần), tham gia xây dựng đường ống, kho bể chứa đựng xăng dầu phục vụ chiến đấu. Năm 1973, ông cùng đơn vị sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) làm nhiệm vụ. Năm 1984, xuất ngũ rời quê lên xã Chiềng Sinh (nay là phường Chiềng Sinh) lập nghiệp.

Những ngày đầu lên vùng đất mới, gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Ông Tuyên xin vào làm nhân viên bán hàng cho HTX mua bán (huyện Mai Sơn) và được HTX cho mượn đất để ở. Để tăng thu nhập cho gia đình, ngoài thời gian công tác, vợ chồng ông tích cực lao động, đầu tư chăn nuôi. Năm 1992, nhận thấy mô hình nuôi cá cho thu nhập khá, phù hợp với điều kiện của gia đình, ông mua 2 ha đất đào ao thả cá. Năm 2012, ông tiếp tục đầu tư trồng 400 cây nhãn ghép, 300 cây xoài đến nay đã cho thu hoạch. Từ mô hình VAC, gia đình ông thu nhập 700 - 800 triệu đồng/năm; tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động tại địa phương với mức 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Dẫn tôi đi thăm khu vườn, ao, ông chia sẻ: Để làm kinh tế, ngoài sự mạnh dạn đầu tư, phải có vốn và chủ động cập nhật thông tin, đi thực tế các mô hình hiệu quả khác để áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình cho phù hợp, có như vậy mới đạt hiệu quả. Chăm sóc các loại cây ăn quả phải đảm bảo kỹ thuật, xem xét loại nào thích nghi và phát triển tốt để nhân rộng. Dự tính thời gian tới, tôi sẽ trồng thêm giống na không hạt.

Với sự dũng cảm trong chiến đấu, năng động trong phát triển kinh tế, ông Trần Duy Tuyên xứng đáng là tấm gương sáng về thương binh làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới