Thực trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn Thành phố

Những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

 

Một trong những hộ gia đình sinh con thứ 3 tại bản Ban, phường Chiềng Sinh (Thành phố).

Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Điều đáng nói, câu chuyện sinh con thứ 3 không còn là những hộ nông dân, hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số tại các huyện mà những nơi có mức sống cao, gia đình có kinh tế khá giả, những cán bộ, viên chức Nhà nước tại các xã, phường trên địa bàn Thành phố cũng sinh con thứ 3. Đây là vấn đề đặt ra với các cấp, các ngành và những cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.    

Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ Thành phố, vài năm trở lại đây, mức sinh trên địa bàn Thành phố đã giảm, nhưng chậm, chưa vững chắc, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức cao, chiếm 8% tổng số trẻ sinh ra. 6 tháng đầu năm 2017, toàn Thành phố có 566 trẻ được sinh ra, trong đó, 316 trẻ nam, 250 trẻ nữ; nhưng có 46 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên xuất hiện ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn; có 10/12 xã, phường có người sinh con thứ 3. Không chỉ ở các xã xa như Chiềng Ngần, Hua La, Chiềng Đen mà ngay tại một số phường như Chiềng Sinh, Quyết Thắng, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng ở mức cao. Do đa số con thứ 3 sinh ra là trai dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính. Hiện, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tại Thành phố là 126 nam/100 nữ. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 trở lên nhưng phần lớn là do quan niệm phải có con trai vẫn còn khá nặng nề ở nhiều gia đình, trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Mặt khác, do đời sống của người dân được nâng cao, kinh tế phát triển, nhiều gia đình vẫn muốn sinh thêm con. Bên cạnh đó, một số chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành, điều chỉnh, bổ sung khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai để sinh thêm con. Sự phối hợp giữa các đoàn thể, các tổ chức ở các xã, phường trong việc tuyên truyền các chính sách dân số chưa đạt hiệu quả. Một nguyên nhân nữa là do các hình thức xử lý, kỷ luật vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe, chủ yếu là cảnh cáo, khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương... Do đó một số cán bộ, đảng viên cố tình tìm cách “vượt rào” và sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh thêm con.

Được xem là một trong những “điểm nóng” trong việc sinh con thứ 3 ở Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2017, phường Chiềng Sinh có đến 10 trường hợp vi phạm sinh con thứ 3 trở lên tại 7 bản của phường. Đến thăm gia đình chị Cà Thị Son tại bản Ban, phường Chiềng Sinh, là hộ có số con nhiều nhất bản, được biết: Cũng biết sinh con thứ 3 trở lên là vi phạm chính sách dân số. Dù đã có tới 4 người con gái, nhưng vợ chồng sẵn sàng chấp nhận để sinh thêm con trai “nối dõi tông đường”. Sinh đông con, cộng với sinh dày, chị chủ yếu phải ở nhà để chăm sóc con, mọi gánh nặng đều đè lên vai người chồng nên cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Việc sinh con thứ 3 trở lên không chỉ xảy ra ở những gia đình sinh con một bề mà còn ở cả những gia đình đã có “đủ nếp, đủ tẻ”. Như trường hợp của gia đình chị Lù Thị Chiêng, bản Púng, xã Chiềng Ngần. Dù đã có cả trai, cả gái nhưng vợ chồng chị vẫn sinh thêm con thứ 3. Khi được hỏi vì sao lại sinh con thứ 3, chị Chiêng cho biết: Vợ chồng muốn sinh thêm con để có thể thêm lực lượng lao động, đỡ đần công việc gia đình, chứ 2 con thì ít quá. Có nhiều tiền, nhiều của không bằng có nhiều con!

Trước tình trạng sinh con thứ 3 ở Thành phố có chiều hướng gia tăng, bà Lù Thị Thu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ Thành phố, cho biết: Việc kiểm soát tình trạng sinh con thứ 3 là rất khó, nếu không có giải pháp quyết liệt và triệt để thì trong thời gian tới tình trạng sinh con thứ 3 trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục tăng, tạo gánh nặng lớn đối với an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2017, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trong toàn Thành phố xuống còn 6%, ngoài sự nỗ lực hơn nữa của các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ thì mỗi cá nhân trong từng gia đình, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm và ý thức của cán bộ, đảng viên trong công tác này. Mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức rõ hệ lụy của việc sinh đông con, hướng tới mục tiêu “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Đồng thời, cần có thêm những chính sách, chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới