Cây mận hậu ở Thành phố được trồng nhiều ở các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần và phường Chiềng An, đem lại nguồn thu chính cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cây mận dần thoái hóa, dẫn đến năng suất và chất lượng quả mận giảm không có sức hút đối với người tiêu dùng. Do đó, việc cải tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xây dựng thương hiệu sản phẩm mận địa phương, nâng cao sức cạnh tranh, tạo chỗ đứng trên thị trường là giải pháp cần thiết.
Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hướng dẫn nông dân xã Chiềng Đen kỹ thuật tỉa cành tạo tán cây mận hậu.
Dẫn chúng tôi thăm vườn trồng 1 ha mận xen lẫn cây cà phê, anh Lèo Văn Tùng, bản Noong Lọ, xã Chiềng Đen, cho biết: Trước đây, gia đình tôi và các hộ chủ yếu trồng mận hậu xen cây cà phê để chống sương muối và tăng thêm thu nhập. Về sau cây mận được trồng mở rộng thêm. Những năm đầu mới trồng, quả mận to, có màu đỏ thẫm, bán được giá. Có năm, vườn mận của gia đình cho thu cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, phần đa các hộ dân ở chưa chú trọng khâu chăm sóc, hầu hết diện tích mận đều phát triển tự nhiên nên dần già cỗi và sâu bệnh, dẫn đến chất lượng quả kém. Rõ nhất là hai năm trở lại đây, một số cây mận có quả bị đắng, chua, khó bán.
Hiện, trên địa bàn Thành phố có khoảng gần 2.500 ha mận, năng suất trung bình đạt 9-10 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần và phường Chiềng An. Sản lượng lớn, nhưng chất lượng dần kém đi do đa số diện tích trồng xen vườn cà phê, người dân chưa quan tâm, chăm sóc, nên nhiều vườn mận lâu năm bị thoái hóa, sâu bệnh. Tỷ lệ đậu quả thấp, năng suất và chất lượng kém. Khi dịch COVID-19 bùng phát, quả mận ở Thành phố lại càng khó tiêu thụ, giá rẻ hơn so với nhiều nơi trong tỉnh.
Trước thực trạng này, UBND Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, phường thực hiện mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; nhân rộng 10 mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn. Trong đó, có mô hình cải tạo mận trên địa bàn xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ. Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố, cho biết: Ngoài việc xây dựng mô hình điểm về cải tạo, chăm sóc, Thành phố vừa tổ chức cho lãnh đạo các xã, phường và một số hộ dân đi tham quan học tập mô hình trồng mận tại huyện Mộc Châu và Yên Châu. Trung tâm còn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây mận đảm bảo năng suất, chất lượng.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi đang tập trung hướng dẫn các hộ trồng mận kỹ thuật đốn tỉa cành, chăm sóc cây mận. Có 2 thời điểm cần đốn tỉa, gồm: thời điểm sau thu hoạch phải cắt bỏ hết cành sâu bệnh, cành gãy và cành tăm; đốn tỉa duy trì thời điểm cuối mùa thu đầu mùa đông, khi cây mận rụng hết lá, nhằm điều chỉnh sinh trưởng của cây, tạo độ thông thoáng đủ ánh sáng giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, điều khiển số lượng hoa quả theo mong muốn nhằm nâng cao chất lượng quả mận và nâng cao giá trị kinh tế. Ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho mận vào các thời điểm: thúc hoa, thúc quả non, thúc quả lớn và sau thu hoạch... Nếu người dân thực hiện đúng các kỹ thuật, chắc chắn năng suất, chất lượng quả mận ở Thành phố sẽ được cải thiện và nâng cao giá trị kinh tế.
Sau khi được đi thăm quan vườn mận ở xã Phiêng Khoài và được hướng dẫn cách chăm sóc cây mận, anh Lèo Văn Tùng, bản Noong Lọ, xã Chiềng Đen, nói: Quả mận ở xã Phiêng Khoài to gấp đôi quả mận ở Thành phố và bán được giá cao là do khâu chăm sóc, tôi sẽ quyết tâm thực hiện hướng dẫn cải tạo lại toàn bộ vườn mận của gia đình, hy vọng năm tới, năng suất, chất lượng mận sẽ cải thiện và bán được giá cao hơn.
Ông Cà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn mận, chuyển sang trồng tập trung; xây dựng mô hình để đánh giá theo chu kỳ và triển khai nhân rộng toàn xã. Với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự đồng hành của người dân, chất lượng quả mận hậu của Thành phố sẽ được nâng lên, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Từ tác động của thị trường, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn về khâu tiêu thụ, quả mận ở Thành phố là ví dụ điển hình về sản phẩm thiếu sức cạnh tranh khi không đảm bảo chất lượng. Với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao, không chỉ riêng cây mận mà các cây trồng khác cũng cần quan tâm đầu tư chăm sóc theo quy trình nông nghiệp tốt, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, đó mới thực sự là hướng đi bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!