Những năm gần đây, du lịch cộng đồng được xem là hướng đi quan trọng của du lịch Thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá trải nghiệm văn hóa của du khách, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương.
Homestay Phố Núi ở bản Coóng Nọi (phường Chiềng Cơi) vừa đi vào hoạt động.
Thành phố Sơn La được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những dãy núi hùng vĩ bao quanh, dòng suối Nặm La uốn lượn qua những cánh đồng bản làng, có quần thể hang động Thẳm Tát Tòng, Khau Pha, hồ chứa nước bản Mòng, suối khoáng nóng... Đặc biệt, nơi đây còn tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Khi tham gia loại hình du lịch cộng đồng tại Thành phố, du khách còn được trực tiếp trải nghiệm thu hoạch hoa màu, xay thóc, giã gạo, đánh cá, thêu thùa, may vá; giao lưu văn hóa văn nghệ, trình diễn các làn điệu khắp, xòe, tìm hiểu các nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào thông qua Lễ hội hoa ban, Hạn khuống...; thưởng thức các món ẩm thực truyền thống; khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng, Đảng bộ Thành phố đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2020, thực hiện Đề án phát triển du lịch, hỗ trợ các bản, các hộ làm du lịch cộng đồng, một số mô hình được đầu tư và đi vào hoạt động, gồm: 4 bản du lịch cộng đồng: bản Hụm (xã Chiềng Xôm), bản Bó (phường Chiềng An), bản Mòng (xã Hua La), bản Hùn (xã Chiềng Cọ); 9 nhà nghỉ du lịch cộng đồng (homestay): Tiến Quân (bản Bó, phường Chiềng An); Long Trang, Minh Châu (bản Hụm, xã Chiềng Xôm); Minh Trường ở bản Hùn, Núi Đá Xanh bản Lạu Khảu (xã Chiềng Cọ); Sơn Khè, Minh Hải (bản Mòng, xã Hua La); Phố núi, Về bản em (bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi).
Nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng là vậy, song thực tế thời gian qua, lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng ở Thành phố còn rất khiêm tốn, số ngày lưu trú mới đạt bình quân 1 đến 1,5 ngày và lượng khách quay trở lại không nhiều. Qua tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân khiến du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố chưa hấp dẫn và giữ chân du khách, đó là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; nhân lực làm du lịch còn hạn chế; người dân chưa tiếp cận được các hình thức quảng bá du lịch; sản phẩm du lịch, hoạt động khám phá, hoạt động giải trí chưa đa dạng; một vài homestay tổ chức các hoạt động trải nghiệm theo nhu cầu du khách nhưng tự phát, chưa bài bản, hầu hết mới dừng lại ở phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ và tham gia văn hóa văn nghệ cộng đồng.
Bản Hụm (xã Chiềng Xôm) được Thành phố chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng năm 2012. Bản không chỉ được hỗ trợ xây dựng biển báo chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ chăn đệm, tập huấn nghề du lịch, đi tham quan học tập kinh nghiệm ở Sa Pa (Lào Cai), Lâm Bình (Tuyên Quang), Văn Chấn (Yên Bái), Mai Châu (Hòa Bình), làm nhà vệ sinh công cộng, xe thu gom rác thải và thùng rác công cộng... Bản Hụm cũng thành lập 6 đội văn nghệ, luyện tập những điệu múa xòe, làn điệu dân ca truyền thống, phục dựng nhà sàn Thái cổ, lưu giữ các đồ vật truyền thống của người Thái như trang phục, khung cửi, nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất... Khi đến bản, du khách được tham gia trực tiếp các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày cùng bà con. Song, sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng tại bản bộc lộ nhiều hạn chế, dù đón nhiều đoàn khách cả trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế, nhưng du khách mới chỉ được tham quan nhà sàn Thái cổ, cánh đồng hoa, thưởng thức ẩm thực dân tộc, câu cá và giao lưu văn nghệ... Hiện, nhà sàn Thái cổ đã bị phá dỡ, đường vào bản, hệ thống tường rào đã bê-tông hóa, không còn vẻ nguyên sơ để du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu...
Ông Quàng Văn Phóng, Trưởng Ban quản lý du lịch, chủ một homestay tại bản Hụm chia sẻ: Các đoàn du khách đến tham quan tại cơ sở của tôi được phục vụ ăn, nghỉ và tổ chức chương trình văn nghệ (nếu yêu cầu). Nhưng chủ yếu thông qua giới thiệu từ các công ty du lịch nên lượng khách tới không thường xuyên. Riêng khách quốc tế từ đầu năm đến nay chỉ mới đón vài lượt, thành ra thu nhập không bù được vốn đầu tư và công sức bỏ ra. Nhiều hộ đăng ký làm du lịch nhưng đã trở lại làm những công việc trước kia. Hiện, trong bản ngoài gia đình tôi thì chỉ còn homestay Minh Châu vẫn duy trì đón khách. Có thể bởi nhiều lý do nên hiệu quả kinh tế từ du lịch cộng đồng chưa thuyết phục được các hộ dân trong bản.
Đến homestay Phố Núi của HTX Dịch vụ du lịch phố núi (bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi) cũng vậy. Lúc chúng tôi tới, các thành viên đang khẩn trương nấu các món ẩm thực dân tộc phục vụ đoàn khách từ Hà Nội lên, Giám đốc HTX Lò Thị Điện cho biết: Tháng 3/2019, homestay bắt đầu đi vào hoạt động với 2 ngôi nhà sàn chuyên phục vụ ẩm thực và nghỉ dưỡng. Khách đến đây được phục vụ ẩm thực dân tộc, nếu có nhu cầu thì tổ chức văn nghệ, đốt lửa trại, tắm xông hơi nước thuốc... Tuy nhiên, homestay chỉ mới phục vụ các đoàn khách từ Hà Nội lên, Điện Biên qua nghỉ trọ một đêm, hoặc các đoàn tổ chức họp lớp... chưa có khách lưu trú dài ngày để tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển
Trao đổi với Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố, bà Lù Thị Đoàn trăn trở: Hiện nay, các bản du lịch cộng đồng, các homestay phục vụ khách tham quan trải nghiệm đúng nghĩa thực chất chưa có. Ngay như bản Hụm có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng người dân chưa hiểu rõ, hiểu đúng để khai thác, phát triển du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm thu hút du khách. Để tháo gỡ và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, cần có những chủ trương, định hướng và cách làm bài bản. Trước hết, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố ban hành và triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng bản DLCĐ; tổ chức giải ngân hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các hộ gia đình làm homestay; có chính sách khích lệ người dân địa phương gìn giữ những nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian, phục dựng khung cửi, cối giã gạo, những vật dụng lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Thái để trưng bày, giúp du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc dân tộc Thái. Đồng thời, liên kết, phối hợp mở các lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng trên các website, mạng xã hội; làm mới các sản phẩm lưu niệm, đồ thủ công, đan lát, dệt vải phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Đặc biệt, định hướng cho người dân - chủ thể làm du lịch cộng đồng - nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cộng đồng... Có như vậy, Thành phố mới trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!