Xuất phát từ nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng tăng, vài năm trở lại đây, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (CSDVTM) trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là tại Thành phố. Điều đáng lo ngại là nhiều CSDVTM không giấy phép hoạt động, không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn, không đảm bảo điều kiện vệ sinh vẫn quảng cáo và hành nghề dịch vụ ngoài danh mục cho phép, tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe của khách hàng.
Cơ sở phun xăm thẩm mỹ trên đường Lê Duẩn (Thành phố)
thực hiện thêm dịch vụ làm đẹp có kỹ thuật xâm lấn nhưng không đăng ký với Sở Y tế.
Đua nhau mở dịch vụ thẩm mỹ
Trong vai một khách hàng có nhu cầu chỉnh sửa lại lông mày, chúng tôi đến cơ sở thẩm mỹ U.H nằm trong một con ngõ nhỏ thuộc địa bàn tổ 2, phường Chiềng Lề (Thành phố). Gọi là cơ sở thẩm mỹ, nhưng đây vốn là quán cắt tóc, gội đầu vừa được “tu sửa” lên thành CSDVTM chuyên cả dịch vụ làm tóc, móng và phun xăm thẩm mỹ. Lúc này, có đến 3 khách hàng đang ngồi chờ làm đẹp trong căn phòng chưa đầy chục mét vuông, nhưng ai cũng sốt sắng chờ đến lượt mình. Thấy chúng tôi có nhu cầu muốn làm lại cặp lông mày, chị U - chủ cơ sở niềm nở: Hiện nay, dáng mày ngang đang là mốt, da em trắng phun màu nâu rất hợp. Bên chị có 2 hình thức phun là phun tán giả sợi lông mày và phun tán bột lông mày. Khi thấy chúng tôi phân vân về dịch vụ, chị U cho biết thêm: Phun xăm những chỗ khác chỉ khoảng 500.000 đồng, nhưng là mực Trung Quốc, nhanh phai màu và đỏ chân mày. Chỗ chị lấy 900.000 đồng, dùng công nghệ thêu trên da, không lo sưng tấy, tính thẩm mỹ cao. Để chúng tôi tin tưởng, chị U vừa nói vừa đưa ra những hình ảnh lông mày của các khách hàng phản hồi sau khi làm tại cơ sở của chị. Chị U khẳng định, bản thân đã làm trong nghề lâu năm và có uy tín, chưa thấy ai phàn nàn gì. Quan sát thấy cơ sở vật chất từ bên ngoài đến thiết bị bên trong đều rất sơ sài, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, nhưng tất cả các dịch vụ đều được thực hiện ngay tại đây.
Các cơ sở DVTM vừa thực hiện phương pháp nhấn mí vừa đăng tải trực tiếp kỹ thuật làm trên mạng xã hội Facebook.
Từ thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi tiếp tục đến cơ sở phun thêu thẩm mỹ trên đường Lê Duẩn, phường Chiềng Sinh (Thành phố). Trên trang facebook thì cơ sở này liên tục thực hiện các “ca phẫu thuật thẩm mỹ” như cắt bỏ mỡ mắt, nhấn mí, tạo má lúm... Cùng đến cơ sở thẩm mỹ với chúng tôi còn có 4 người phụ nữ. Làm quen với chị H để tìm hiểu về dịch vụ. Chị H đã ở tuổi trung niên, nhưng vẫn khá trẻ trung mà theo chị đó là nhờ thẩm mỹ. Hỏi chuyện, chúng tôi được biết: Cách đây vài tuần chị phun thêu lông mày tại đây, nhưng để trông trẻ hơn chị quay lại để tiếp tục cắt lớp mỡ thừa, căng da vùng mắt và nhấn mí trên. Sau khi biết tôi và chị H có nhu cầu nhấn mí, chị B - chủ cơ sở tận tình giới thiệu phương pháp “nhấn mí luồn chỉ babydoll tự tiêu” đã được áp dụng từ vài năm nay ngay tại cơ sở. Chị cho biết: “Một ca nhấn mí mắt kéo dài khoảng hơn 1 tiếng, trước khi tiến hành nhấn mí sẽ tiêm thuốc giảm đau nên hoàn toàn yên tâm không lo đau, viêm; đối với nhấn mí bằng chỉ thường có giá 3 triệu đồng; đối với nhấn mí bằng chỉ vàng 24k có giá 5 triệu đồng. Chỉ cần một tiểu phẫu nhỏ là mắt em trông có hồn và xinh đẹp hơn nhiều”. Chị B cam kết, với phương pháp này là giải pháp hữu hiệu cho người mắt 1 mí, mí sụp, đảm bảo không bị tuột chỉ, bảo hành trong vòng 6 tháng, sau 4 đến 6 năm, chỉ luồn ở mắt mới tự tiêu.
Hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn
Đây chỉ là hai trong rất nhiều CSDVTM đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, các cơ sở đều có điểm chung dù chỉ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có chức năng làm đẹp thông thường, nhưng vẫn sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, tiến hành thủ thuật trái quy định cho các dịch vụ cắt mỡ, nhấn mí mắt; tiêm filler (chất làm đầy) môi, mũi; tạo má lúm đồng tiền... Các dịch vụ này được các cơ sở quảng cáo dưới nhiều hình thức, trong đó rầm rộ nhất là trên các trang mạng xã hội, với cam đoan đảm bảo an toàn tuyệt đối và có tính thẩm mỹ cao. Thế nhưng, sự thật về điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ và nhân viên thực hiện các kỹ thuật có đảm bảo đúng theo quy định hay không thì chưa ai có thể khẳng định. Tại các cơ sở, các dụng cụ phun, xăm không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm, lây truyền các loại bệnh; chưa kể đến việc sử dụng các loại chất làm đầy, thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc để tiêm vào mũi, môi, mắt có thể gây nên những biến chứng khó lường; đã có một số trường hợp là nạn nhân của những cơ sở trái phép này...
Theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ “Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” đã quy định rõ về điều kiện hoạt động đối với CSDVTM, đó là: CSDVTM chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị (có địa điểm cố định, bảo đảm các điều kiện vệ sinh; có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng). Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại CSDVTM phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Tăng cường kiểm tra, quản lý
Mặc dù quy định rất rõ ràng nhưng rất nhiều cơ sở DVTM, làm đẹp trên địa bàn tỉnh đều tự ý thực hiện các dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế mà không đăng ký. Điều đáng nói, hầu hết những CSDVTM này đều nằm trên trục đường chính, biển quảng cáo treo ngang nhiên trong một thời gian rất dài. Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến các CSDVTM hoạt động do đa số các CSDVTM đều đăng ký hoạt động dưới hình thức những cơ sở làm đẹp đơn thuần, vốn không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nên không thuộc sự quản lý của Sở Y tế. Các cơ sở kinh doanh này do UBND các huyện, thành phố cấp phép hoạt động. Chính việc phân cấp quản lý các cơ sở thẩm mỹ như hiện nay đang là một kẽ hở để các cơ sở làm đẹp lợi dụng, hành nghề quá phạm vi chuyên môn.
Các cửa hàng cắt tóc, gội đầu cũng nâng cấp lên thành các cở sở DVTM.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thanh Bình, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Hiện toàn tỉnh chưa có CSDVTM được Sở Y tế cấp phép hành nghề y và cũng chưa có số liệu thống kê chính xác số CSDVTM đang hoạt động. Vì vậy, những CSDVTM hành nghề kinh doanh (phun xăm môi, mày, mí mắt, chăm sóc da...) không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, nhưng nếu thực hiện thêm dịch vụ làm đẹp có kỹ thuật xâm lấn thì vẫn phải đăng ký với Sở Y tế. Bên cạnh đó, các CSDVTM thường dùng nhiều cách để đối phó với đoàn kiểm tra, như giới thiệu khách hàng cho nhau qua điện thoại, hẹn địa điểm, giờ thực hiện các kỹ thuật làm đẹp ở nhiều nơi khác nhau; gây khó khăn cho lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ có công văn yêu cầu các địa phương gửi danh sách thống kê các CSDVTM, cơ sở làm đẹp trên địa bàn để quán triệt các quy định của pháp luật về việc thực hiện các dịch vụ làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ. Đồng thời, phối hợp với các đoàn liên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ, cung cấp dịch vụ làm đẹp hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên mỗi người cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin về những dịch vụ thẩm mỹ, lựa chọn cơ sở uy tín, đã được cấp phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của chính mình, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, nhất là khi hoạt động của các loại hình dịch vụ thẩm mỹ đang xuất hiện ngày càng nhiều và vẫn chưa được quản lý một cách chặt chẽ như hiện nay.
Thanh Thanh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!