Những năm qua, Thành phố đã quan tâm phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn để góp phần điều hòa nhiệt độ, tạo bóng mát, tăng mỹ quan đô thị và cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, việc phát triển, chăm sóc, bảo vệ cây xanh cần có quy hoạch, cơ cấu nhóm cây đô thị phù hợp và có lộ trình thích hợp, khoa học.
Cây xanh trên tuyến đường Chu Văn Thịnh, thành phố Sơn La.
Theo đồng chí Đỗ Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La, mật độ và chất lượng cây xanh trên địa bàn thành phố Sơn La đang được xếp ở mức độ trung bình khá so với các thành phố đô thị loại 3 ở các tỉnh trong cả nước. Trên địa bàn Thành phố hiện có 7.785 cây xanh, gồm: Cây loại 1 (cây to, phát triển tốt) 4.845 cây; cây loại 2 (cây phát triển chậm, mới trồng) 2.840 cây; cây loại 3 (cây kém phát triển) 73 cây. Công ty đang tập trung cao để trồng cây xanh tuyến đường Lê Duẩn (đoạn từ đường đôi quốc lộ 6 đến cổng Nghĩa trang nhân dân Thành phố) theo kế hoạch, gồm 970 cây bóng mát, 1.000 cây hoa Hồng Lộc, Huỳnh Anh và 1.300 m2 thảm cây các loại.
Được biết, trên các hè phố của các tuyến đường nội thị ở Thành phố đang trồng một số loại cây, như: lát, hoa sữa, bơ, sấu, bàng, sao đen, nhội, phượng, xà cừ, lộc vừng, trứng cá, hoa ban, trứng gà, bằng lăng, hoàng yến, cau vua,... việc trồng, chăm sóc cây xanh đô thị trên các tuyến đường nội thị của Thành phố luôn có sự đồng tình, ủng hộ cao của các cấp, các ngành và nhân dân. Tuy nhiên, một số hộ dân có nhà ở mặt đường muốn có mặt bằng rộng để kinh doanh vẫn đang có những hoạt động “bức tử” đối với các cây xanh được trồng trước cửa nhà như đẽo vỏ, đổ muối, thuốc trừ sâu vào gốc cây để cây chết, sau đó làm giấy phép xin chặt hạ, thay thế trồng cây mới (nhưng sau đó không trồng theo cam kết).
Bên cạnh đó, một số cây xanh không phù hợp với quy hoạch đô thị cũng đang cần được thay thế bằng các loại cây khác đúng chủng loại, phù hợp với điều kiện và hạ tầng đô thị của Thành phố. Nhiều đoạn đường, khoảng cách trồng cây không giống nhau, có nhiều đoạn không có cây xanh hoặc trồng cây không đồng nhất, có cả các loại cây không nằm trong danh mục cây xanh đô thị, như nhãn, xoài... do người dân tự trồng. Công tác quản lý cây xanh có nhiều hạn chế, tình trạng người dân hoặc một số đơn vị tự ý tỉa cành, chặt và trồng cây khác vẫn diễn ra. Đặc biệt, Thành phố vẫn chưa lựa chọn, bố trí được cây xanh đặc trưng phù hợp với từng loại tuyến đường, khí hậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Một gốc cây trên tuyến đường Chu Văn Thịnh đang bị “bức tử”.
Đồng chí Trần Văn Ích, Trưởng phòng Quản lý đô thị Thành phố cho biết: Quan điểm của Thành phố là không cho phép người dân chặt cây, trừ các trường hợp cây chết, cản trở đường đi. Trường hợp chặt cây phải có đơn đề nghị, xác nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương và thẩm định của cán bộ Phòng Quản lý đô thị. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Thành phố có 14 cây xanh ở các tuyến đường bị chết phải đốn hạ gồm các chủng loại: bàng, nhội, ban, sấu, phượng, hoàng yến, trứng cá,... có đường kính từ 7- 35 cm; có 9 hộ có đơn đề nghị được chặt hạ các cây xanh trước cửa (4 trường hợp cho phép chặt và trồng cây thay thế; 5 trường hợp không cho phép chặt). Tuy nhiên, theo quan sát, ghi nhận của phóng viên, có không ít gia đình tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ hoặc ban đêm đã tự ý chặt hạ cây xanh, khi đơn vị chức năng phát hiện thì việc đã xong. Nhiều vị trí trước đây có cây xanh, giờ không còn, không ít trường hợp xin phép chặt và trồng thay thế, nhưng không trồng lại vẫn đang diễn ra, nhưng cơ quan chức năng chưa vào cuộc giải quyết, tạo tiền lệ xấu và gây bức xúc cho nhân dân. Cây xanh đô thị đang là một trong những tiêu chí phấn đấu để Thành phố đạt tiêu chuẩn lên đô thị loại 2. Việc quản lý cây xanh trên địa bàn Thành phố hiện nay cần được đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi từ cây xanh. Phòng Quản lý đô thị Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch đô thị để trình cấp có thầm quyền phê duyệt, trong đó có nội dung quy hoạch hệ thống không gian cây xanh của Thành phố; bố trí không gian xanh tại các dự án cải tạo xây dựng đô thị; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định cho cây xanh đô thị,...
Việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trên địa bàn Thành phố cần có quy hoạch và lộ trình thích hợp; phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước; cấp ủy, chính quyền khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh theo cơ cấu đô thị trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà của mình, tạo bóng mát, cải thiện môi trường sống và tạo cho Thành phố thực sự “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!