Bằng tâm huyết và lòng đam mê, nghệ nhân Tòng Văn Hỏa (62 tuổi), hiện trú tại bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi (Thành phố) đã có ngót 50 năm gìn giữ, chế tác, nghiên cứu và truyền dạy chơi đàn tính tẩu, đàn nhị. Ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Nghệ nhân Tòng Văn Hỏa bên những cây đàn nhị.
Trong căn nhà sàn nhỏ của gia đình ông, những cây đàn tính, đàn nhị được treo trang trọng trên tường. Cầm một cây đàn nhị trên tay, ông Hỏa say sưa kể về niềm đam mê đàn nhị. Năm 12 tuổi, một anh hàng xóm đi công tác Thuận Châu được tặng cây đàn nhị (tiếng Thái gọi là sí xa lo). Lần đầu tiên được nhìn thấy cây đàn nhị, lại được nghe người anh kéo đàn, ông thấy thích thú vô cùng, rồi tự hỏi sao tiếng đàn nhị êm ái và hay đến vậy? Với năng khiếu bẩm sinh, chỉ sau 2 đêm tập kéo nhị, ông đã kéo nhị khá thuần thục, ông anh hàng xóm khen lắm. Thế là ý tưởng chế tác cây đàn nhị bật lên trong đầu và ông Hỏa bắt đầu mày mò, nghiên cứu, chế tác cây đàn nhị. Sản phẩm ban đầu chưa đẹp, khi kéo tiếng không vang, ông lại bắt tay làm tiếp cây đàn thứ hai, thứ ba... rồi làm mãi thành đam mê; lại có thêm nhiều dịp đi giao lưu, kéo đàn đệm cho những buổi khắp Thái với thanh niên ở các bản, càng làm ông gắn bó hơn với cây đàn nhị.
Không những chế tác đàn nhị, ông Hỏa còn sử dụng khá thành thạo các loại đàn, rồi biết hòa tấu nhạc cụ. Năm 1972, ông được tham gia Tổ ca nhạc của Đài Phát thanh Khu tự trị Tây Bắc chuyên hòa tấu nhạc cụ dân tộc phát trên chương trình ca nhạc của Đài. Năm 1975, ông chuyển công tác về Phòng Văn hóa thị xã Sơn La, được giao nhiệm vụ khôi phục văn nghệ quần chúng cơ sở. Như “cá về với nước”, không quản ngày đêm, mưa gió, ông cất công xuống các bản, truyền dạy cho những người đam mê cách kéo đàn, chế tác đàn nhị... Năm 1980, khi nghỉ công tác về địa phương, ông lại được xã giao làm đội trưởng đội văn nghệ của xã. Rồi được xã cử đi học lớp chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất nhạc cụ dân tộc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh năm 2001; kết thúc khóa học, ông là 1 trong 5 học viên xuất sắc nhất của lớp học 36 học viên; cũng tại lớp học này, ông học được cách chế tác thêm đàn tính tẩu.
Ông Hỏa bảo, đàn nhị của người Thái và người Kinh khá giống nhau, chỉ khác cách sử dụng vật liệu sản xuất, hình dáng, mẫu mã và độ dài ngắn mà thôi. Theo ông, để hoàn thiện chiếc đàn nhị, lâu nhất là phần ống, phải làm sẵn khung đàn và đợi đến tháng 1, tháng 2 âm lịch, khi cóc ra ruộng nhiều, cóc to, bộ da cóc mới đủ độ rộng để bịt kín 2 đầu bát nhị. Còn chế tác đàn tính tẩu dù đơn giản hơn, dễ kiếm vật liệu hơn nhưng yêu cầu lại cao, làm bầu đàn phải chọn quả bầu tròn đều, không bị ong châm, kiến chích, gõ vào kêu đanh, đàn tính mới có âm sắc chuẩn. Đàn tính tẩu của người Thái Tây Bắc hơi khác chút ít so với đàn tính tẩu của người Tày, Nùng vùng Đông Bắc. Được biết, các loại nhạc cụ ông chế tác được nhiều người yêu thích, hiện mỗi năm ông sản xuất 400 đến 500 cây đàn nhị, tính tẩu. Không chỉ vậy, hằng năm, ông còn tham gia biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Thành phố, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; rồi tham gia nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng ở phường, Thành phố và các chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Bắc Cạn...
Để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, ông đã truyền dạy cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho nhiều học viên tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức, nhiều học viên theo học đã chế tác được những cây đàn nhị, đàn tính tẩu đẹp và chất lượng. Ông Hỏa mong muốn được mở lớp chế tác nhạc cụ dân tộc tại gia đình, truyền dạy cho các con, cháu biết về nhạc cụ của dân tộc, góp phần lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc Thái Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!