Sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số hộ kinh doanh về giá tiền điện tại chợ Trung tâm Thành phố cao hơn so với giá bán lẻ của ngành Điện lực quy định, mức giá cũng không cố định, tăng giảm khác nhau tùy theo tháng. Phóng viên Báo Sơn La đã tìm hiểu sự việc, để có câu trả lời cho các hộ kinh doanh tại chợ.
Ý kiến từ các hộ kinh doanh
Ông L.Đ.T, một hộ kinh doanh mặt hàng giày, dép trong chợ kể: Mấy năm trước, Ban Quản lý chợ có yêu cầu chúng tôi đóng tiền mua công tơ, đường dây mới nối từ công tơ tổng của chợ đến các ki-ốt với lý do hệ thống điện đã cũ thay mới sẽ giảm hao phí điện. Sau khi thay xong, ban đầu chỉ có 3.000-3.100 đồng/kWh, rồi tăng dần sang đến năm nay giá từ 3.300 đồng - 3.900 đồng/kWh trong khi giá của ngành điện lực có cộng thuế giá trị gia tăng vào giờ bình thường là 2.932 đồng/kWh.
Cán bộ Ban quản lý Chợ trung tâm Thành phố kiểm tra tủ điện tổng của chợ.
Bà T.T.Đ, một hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống nói: Tôi thấy giá điện của Ban Quản lý chợ đang thu cao hơn giá của ngành điện, biến động thất thường theo từng tháng. Ngoài ra, tôi thấy bên điện lực có báo giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Ban Quản lý chợ không công khai con số này cho chúng tôi biết, chỉ thấy cán bộ thu tiền điện bảo đã trừ trên công tơ tổng, chúng tôi không biết liệu mình đã được giảm tiền điện những tháng nào và cụ thể là bao nhiêu.
Là một hộ kinh doanh mặt hàng đông lạnh, tiêu tốn điện nhiều hơn các hộ kinh doanh khác, quầy hàng của bà P.T.Y có 1 chiếc tủ đông để bảo quản thực phẩm. Theo bà Y thì những thiết bị đó không thể nào tiêu tốn đến gần 1 triệu tiền điện như trong biên lai tháng 6/2021 mà Ban Quản lý chợ vừa thu. Bà Y cho biết: Nhiều lần chúng tôi đề nghị với Ban Quản lý cho phép các tiểu thương trong chợ tự làm hợp đồng và mắc điện trực tiếp với Công ty Điện lực Thành phố nhưng Ban Quản lý không đồng ý.
Thông tin từ Ban quản lý chợ và ngành chức năng
Năm 2021, chợ Trung tâm Thành phố có 224 hộ kinh doanh dùng điện ki-ốt, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống... thời gian hoạt động bắt đầu từ 5h-18h hàng ngày. Hiện nay, chợ đang sử dụng 2 nguồn điện. Nguồn thứ nhất là điện chiếu sáng được tính theo giá điện sinh hoạt phục vụ công tác tại Ban Quản lý chợ và các bóng đèn cao áp trong khu vực chợ. Nguồn điện thứ 2 là điện kinh doanh, được chia thành 6 nguồn điện nhỏ, gồm: Nguồn mở 24/24 phục vụ hàng tươi sống, nguồn điện dành cho hàng cơm phở, ki-ốt mở đến 21h30, còn 4 nguồn điện dùng trong nhà chợ chính được tắt vào 18h-18h30 hàng ngày.
Trả lời thông tin phản ánh của các tiểu thương về giá tiền điện tại chợ Trung tâm Thành phố cao hơn so với giá bán lẻ của ngành điện lực quy định, mức giá cũng không cố định, ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý chợ, cho biết: Giá tiền điện hiện nay áp dụng cho các hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm Thành phố căn cứ trên hóa đơn của bên điện lực cung cấp, lấy tổng số tiền điện năng tiêu thụ cộng với tiền điện năng phản kháng chia tổng điện năng tiêu thụ của cả chợ. Do công suất phản kháng được tính theo 3 giá và hệ số công suất cosφ nên chỉ số này biến động theo từng tháng và khiến giá điện tại chợ bị đội lên không ít. Ví dụ, giá điện tháng 6/2021 của cả chợ Trung tâm được tính như sau: 35.553.243 đồng (Tiền điện năng tiêu thụ) + 2.538.502 đồng (tiền điện năng phản kháng): 10.796 kW (tổng số điện năng tiêu thụ)= 3.528 đồng/kW. Giải thích thêm về số tiền Điện lực đã báo giảm tiền điện do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 1, tổng 3 tháng 5, 6, 7/2020 của cả chợ được giảm 10 triệu 714 nghìn đồng, số tiền này đã được Điện lực trừ trực tiếp trên công tơ tổng của chợ, chứ không hiển thị ở từng công tơ riêng của các hộ kinh doanh.
Theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, Công ty Điện lực Sơn La áp giá bán lẻ điện kinh doanh cho hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh với hình thức 3 giá: Giờ bình thường (Từ thứ 2-thứ 7 gồm các khung giờ: 4h00-9h30, 11h30-17h00, 20h00-22h00; chủ nhật từ 4h00-22h00) là 2.666 đồng/kWh + 10% VAT = 2.932 đồng/kWh; giờ thấp điểm (22 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau) là 1.622 đồng/kWh + 10% VAT = 1.784 đồng/kWh; giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 17 giờ đến 20 giờ) là 4.587 đồng/kWh +10% VAT = 5.045 đồng/kWh. Như vậy, tại chợ Trung tâm phần lớn sử dụng điện ở giờ bình thường và hơn 3 tiếng ở giờ cao điểm.
Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Căn cứ vào khoản 1, Điều 3 Thông tư số 15/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương Quy định về mua, bán công suất phản kháng và Điều 5 Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về giá bán điện theo thời gian sử dụng trong ngày, thì cách tính tiền điện đối với các hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm Thành phố hiện nay là đúng thực tế.
Như vậy, các hộ kinh doanh cần hiểu rõ cách tính giá điện của ngành điện lực và Ban Quản lý chợ và hạn chế sử dụng các thiết bị điện trong thời gian cao điểm để giảm bớt chi phí tiền điện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!